
Mười mấy cái tết, khi gia đình người khác sum vầy, chị một mình một xe ra đường quét rác. “Ai nghỉ thì nghỉ còn tôi chỉ muốn đi làm kiếm tiền nuôi con” - Cả hội trường lặng im nghe câu chuyện đầy xúc động của chị Vũ Thị Lan, công nhân vệ sinh Công ty Công trình giao thông công chính quận 5 trong chương trình giao lưu với những gia đình công nhân vượt khó, nuôi dạy con tốt và trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh năm học 2008-2009 do LĐLĐ TPHCM tổ chức ngày 23-8.
Vừa làm mẹ, vừa làm cha

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho con em CNVCLĐ nghèo sáng 23-8. Ảnh: MAI HƯƠNG
Chồng mất đột ngột lúc con lớn mới 5 tuổi, con út còn nằm trong bụng, nhớ lại những ngày tháng cơ cực đó, chị Vũ Thị Lan không cầm được nước mắt: “Lúc đó, trong người tôi chỉ còn vài ngàn đồng. Tài sản đáng giá nhất trong nhà chỉ còn cái bếp dầu. Đứa út mới tròn tháng, tôi đã bỏ con ở nhà đi làm mướn cho người ta. Ai kêu gì cũng làm, từ rửa chén, bán thịt chó, quét dọn cho tới vắt sổ, may gia công…”.
Một năm sau ngày chồng mất, chị được nhận vào làm CN vệ sinh Công ty Công trình giao thông công chính quận 5. Nửa đêm, khi người ta ngủ thì chị đi làm. Nhưng rồi nghĩ đến 3 đứa con, chị cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi. Những lúc đi làm về gặp trời mưa, nước ngập nửa người, chị chỉ biết ngồi khóc chờ mưa tạnh, chờ nước rút mới lội bộ về với con ở căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc xóm nghèo quận 8.
“Là CN vệ sinh, hễ có ai đem bỏ cái gì còn xài được là mẹ xin về cho tụi em, nhất là sách, báo, tự điển, quần áo cũ… Có lúc xài sang, mẹ cũng chỉ dám mua 3 trái cam cho 3 chị em. Mẹ nói nhìn tụi em ăn là mẹ thấy vui rồi” - em Nguyễn Thị Kiều Chinh kể về mẹ.
Cùng hoàn cảnh với chị Lan là chị Lưu Thị Bé, CN Công ty cổ phần Dược phẩm 3-2. Chồng chị, anh Vũ Minh Tất, CN ăng-ten Đài phát sóng Quán Tre bị tai nạn lao động mất cách đây 13 năm. Một nách 2 con, với đồng lương CN, chị Bé tằn tiện hết sức để có tiền lo con đi học.
“Cứ mỗi lần nghĩ đến cái chết của ba sắp nhỏ, tôi lại lao vào công việc, một phần để quên, phần để kiếm tiền nuôi con. Nhiều lúc muốn ngã quỵ, tưởng không đứng dậy được nhưng tôi đã hạ quyết tâm phải thay ảnh nuôi con thành người”.
Nghe Xuân vừa khóc, vừa bộc bạch trên sân khấu: “Con cám ơn mẹ! Nhờ có mẹ mà anh hai với con mới được đi học, mới được lớn khôn như bây giờ”, người phụ nữ ít lời, gầy gò, suốt 20 năm chỉ biết cặm cụi trong xưởng máy ngồi lặng, không nói nên lời. Chỉ có những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gương mặt khắc khổ.
Cha mẹ nghèo nuôi con học giỏi

Sau mỗi lần tan ca, chị Vũ Thị Lan vẫn thường theo dõi việc học của con. Ảnh: H.HOA
Trong những lần đến thăm chị Bé tại nhà, gặp chị trở về sau giờ tan ca, chị tâm sự rằng: “Tăng ca mệt mỏi, về nhà thấy các con chong đèn học, tôi vui lắm. Thằng anh nó đang chuẩn bị thi liên thông lên hệ ĐH của Trường CĐ Điện tử Công nghiệp. Hai năm nữa, tôi cũng chỉ mong tin đậu ĐH của bé Xuân”.
Không phụ lòng mong mỏi của mẹ, nhiều năm liền, Xuân luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em mơ ước được thi vào ĐH Sư phạm. Còn Kiều Chinh, với thành tích 10 năm liền là HS xuất sắc, em mong thi đậu vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn để trở thành một chuyên viên tâm lý.
Là CN Chi nhánh cấp nước Tân Hòa thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, anh Nguyễn Anh Tài hết sức vất vả khi mọi sinh hoạt trong nhà đều trông vào đồng lương CN ít ỏi của mình. Vợ anh, chị Nông Thị Kim Liên, vốn cũng là CN, đã phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc con trai bị bệnh ung thư máu.
“Mới hơn 10 tháng tuổi, cháu nó đã phát bệnh rồi. Để duy trì sự sống cho con, mỗi tháng, hai vợ chồng phải bồng con đi truyền máu, chưa kể mỗi lần cháu té, xúc động mạnh hay bị bệnh, lượng máu bị tụt xuống bất thường thì chu kỳ truyền máu lại càng ngắn hơn” – anh kể.
Dù mang gánh nặng phải chăm sóc con trai đến suốt đời, anh Tài, chị Liên vẫn cố gắng cho con gái lớn là Nguyễn Xuân Huỳnh ăn học đến nơi đến chốn. Năm nay, Huỳnh học lớp 10 chuyên Toán, Lý, Hóa trường THPT Nguyễn Công Trứ. Liên tục 10 năm liền, em là HS xuất sắc.
Bé Lê Minh Anh, con trai đầu của anh Lê Đình Triều, làm cả hội trường xúc động khi kể về những chuyện em phải làm thêm ngoài giờ học để phụ giúp gia đình. Ba mẹ của Minh Anh cùng là CN Công ty nhựa Đức Đạt, vốn từ Thanh Hóa vào TPHCM lập nghiệp với đôi bàn tay trắng.
Lương CN của hai vợ chồng hàng tháng chỉ được hơn 3 triệu, ngoài giờ làm việc ở nhà máy, anh chị còn nhận làm thêm hàng gia công về nhà làm. Thương cha mẹ vất vả, Minh Anh cũng cặm cụi học làm thợ. Dù mới học lớp 5 nhưng với tư chất thông minh, chịu khó, Minh Anh cho biết em thích học thật giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho ba mẹ và mọi người.
Phát biểu tại buổi giao lưu, đồng chí Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM chia sẻ: “144 cháu có mặt trong hội trường hôm nay đều có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Có cháu mồ côi bố, có cháu mồ côi mẹ, thậm chí có cháu phải sống với người thân, có cháu còn phải đối mặt với bệnh tật nhưng vẫn phấn đấu học tốt. Bên cạnh các cháu, chúng tôi còn thấy sự hiện diện của những người cha, người mẹ là CN, đã vượt mọi khó khăn, nuôi dạy con học giỏi, sống tốt. Thay mặt tổ chức công đoàn TP, tôi xin cảm ơn sự hy sinh to lớn đó”.
Nhân dịp này, LĐLĐ TP đã trao 144 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho các em con CNVC-LĐ đã có thành tích tốt trong học tập với tổng trị giá trên 105 triệu đồng.
MAI HƯƠNG - HOÀNG HOA