Hôm qua 4-5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến phòng chống dịch heo tai xanh với lãnh đạo Bộ NN-PTNT và UBND các tỉnh đang có dịch. Cuộc giao ban đã diễn ra ở 11 điểm cầu, với điểm cầu chính tại trụ sở Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Hà Nội).
Ngân sách địa phương “rỗng” vì dịch
Là một trong những tỉnh xuất hiện dịch đầu tiên, Hà Tĩnh chịu thiệt hại khá nặng nề từ dịch tai xanh với số lượng heo chết và tiêu hủy gần 30.000 con. Để đối phó với cơn dịch này, tỉnh Hà Tĩnh đã phải dốc 67 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Số tiền này, theo ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, là vượt quá ngân sách của một tỉnh nghèo như Hà Tĩnh và thực sự địa phương cũng không còn ngân sách dự phòng để hỗ trợ nữa. Theo ông Kỳ, Chính phủ nên ban hành chính sách hỗ trợ thống nhất cho gia súc, gia cầm bị tiêu hủy lên 70% - 80% giá trị con vật tại thời điểm tiêu hủy so với giá thực tế trên thị trường.
Dẫn đầu danh sách các tỉnh có số heo bị dịch là Thanh Hóa. Theo ông Mai Văn Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay tỉnh đã có 26 huyện với 473 xã xuất hiện dịch tai xanh với tổng số heo chết và tiêu hủy lên tới trên 190.000 con (chiếm 14% tổng đàn heo của Thanh Hóa), thiệt hại ước tính 400 tỷ đồng. Ông Ninh cho biết, đây là thiệt hại quá lớn đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Thanh Hóa, nguyên nhân cũng là do việc giám sát dịch ngay từ ban đầu còn nhiều hạn chế, hơn nữa biện pháp chống dịch, tiêu hủy chỉ là biện pháp bất đắc dĩ. Khó khăn lớn nhất hiện nay mà người chăn nuôi ở Thanh Hóa đang phải đối mặt là việc khôi phục chăn nuôi sau dịch, do tỉnh này đã mất quá nhiều heo nái. Chỉ riêng 10 huyện đồng bằng đã có 40% số heo nái bị chết và tiêu hủy. Ông Ninh ngán ngẩm nói: “Cứ tình trạng này, không biết bao giờ Thanh Hóa mới phục hồi chăn nuôi trở lại được, có thì cũng phải mất vài năm”.
Trong khi đó, trước chủ trương của Bộ NN-PTNT về việc tạm dừng vận chuyển heo qua vùng có dịch tai xanh, đã khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào tình trạng khóc dở, mếu dở do không xuất bán được heo. Ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Mấy ngày gần đây, rất nhiều chủ hộ đã gọi đến chúng tôi than vãn về việc không bán được heo, dù heo đã tới thời kỳ xuất chuồng, cứ kiểu này, không chừng người dân có thể tự nguyện xin tiêu hủy heo dù heo không bị bệnh”. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng giải thích ngay: “Việc tiêu thụ heo ở vùng dịch vẫn được phép, nhưng phải có kiểm dịch chặt chẽ, tùy từng các địa phương có biện pháp vận dụng khác nhau để tiêu thụ heo”.
Đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc giao ban, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao cho Bộ NN-PTNT khẩn trương hoàn thiện các hướng dẫn chống dịch cho các địa phương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tuy số heo bị tiêu hủy mới chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng đàn heo 26,5 triệu con cả nước, nhưng các địa phương không được phép lơ là chủ quan, phải tiếp tục thực hiện kiểm soát phòng chống dịch bệnh quyết liệt, không chỉ ở những địa phương có dịch, mà cả những địa phương chưa có dịch cũng phải chuẩn bị đầy đủ các biện pháp để không lúng túng khi dịch xảy ra.
Tuy nhiên, về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng một chiến lược phát triển ngành chăn nuôi bền vững trong khi chúng ta phải... sống chung với dịch bệnh. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cần phải thay đổi cơ chế chống dịch để các địa phương có thể chống dịch chủ động hơn thay vì tình trạng “chạy theo dịch” để chống như hiện nay. Phó Thủ tướng nói: “Bên cạnh các giải pháp chống dịch trước mắt, quan trọng là phải xác định được các giải pháp tối ưu để sống chung với dịch bệnh, nhưng vẫn đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững. Bởi, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch tốt, hiệu quả thì không chỉ trong năm nay mà những năm sau nguy cơ dịch bệnh chăn nuôi sẽ rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT, các địa phương, bộ ngành liên quan phải khẩn trương tiến hành xây dựng các đề án phát triển hoạt động chăn nuôi quy mô trang trại, công nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, có khả năng phòng chống dịch bệnh cao.
Theo Bộ NN-PTNT, trong những ngày gần đây, tình hình dịch tai xanh đã bắt đầu có dấu hiệu lắng xuống, số heo nhiễm bệnh đã giảm rõ rệt. Tổng hợp từ 10 tỉnh đã có dịch, có 57 huyện với 775 xã đã phát dịch, số heo chết và phải tiêu hủy là trên 254.000 con. Tuy nhiên, theo nhận định, do đã thành dịch tại một số địa phương, virus gây bệnh lưu hành rộng rãi khắp nơi, cộng với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tình trạng buôn bán, vận chuyển heo chưa được kiểm soát... là những nguyên nhân chính có thể khiến dịch bùng phát trở lại bất cứ lúc nào và bất cứ địa phương nào. |
THĂNG HÙNG