Giao cho anh con dao rựa phát đường mà đi!

Cứ đến tháng 6 hàng năm từ ngày nhà báo Phan Hiền mất, tôi và Đặng Trung Hiếu - nguyên Giám đốc HTV - thường đến thắp hương giỗ anh Phan Hiền. Nhớ năm 2004, sáng sớm ngày 30-6, cháu Hòa - con gái của anh Phan Hiền - gọi điện cho tôi là bố Hiền đã•qua đời vào lúc 3 giờ 20 sáng hôm ấy! Tôi bàng hoàng và vô cùng xúc động, vì mới lúc chiều 16 giờ 30 anh còn gọi điện khoe với tôi là vừa viết xong bài báo cho Đại Đoàn Kết. Mặc dầu đã ở tuổi 82, nhưng anh còn khỏe lắm, còn minh mẫn và “phong độ” lắm!
Giao cho anh con dao rựa phát đường mà đi!

Cứ đến tháng 6 hàng năm từ ngày nhà báo Phan Hiền mất, tôi và Đặng Trung Hiếu - nguyên Giám đốc HTV - thường đến thắp hương giỗ anh Phan Hiền. Nhớ năm 2004, sáng sớm ngày 30-6, cháu Hòa - con gái của anh Phan Hiền - gọi điện cho tôi là bố Hiền đã•qua đời vào lúc 3 giờ 20 sáng hôm ấy! Tôi bàng hoàng và vô cùng xúc động, vì mới lúc chiều 16 giờ 30 anh còn gọi điện khoe với tôi là vừa viết xong bài báo cho Đại Đoàn Kết. Mặc dầu đã ở tuổi 82, nhưng anh còn khỏe lắm, còn minh mẫn và “phong độ” lắm!

Nhà báo Phan Hiền

Nhà báo Phan Hiền

Anh là thanh niên Hải Phòng giác ngộ cách mạng tham gia Mặt trận Việt Minh từ năm 1944, suốt 60 năm làm tuyên huấn, từ cán bộ tuyên huấn thành phố, làm phó rồi trưởng ban, từ Tổng Biên tập báo Thời Mới - tờ báo tư nhân ở Hà Nội tạm chiếm… và sau là Thứ trưởng Bộ VH-TT-TT.

Nhà báo Phan Hiền viết hàng năm bảy trăm bài báo, ký nhiều tên khác nhau, đã xuất bản nhiều tập sách, trong đó Bác Hồ và sự nghiệp trồng người là cuốn sách được các nhà xuất bản tái bản nhân dịp 30 năm thực hiện di chúc Bác. Các tập tiểu phẩm: Đầy tớ nhân dân, Thư gửi người đầy tớ là những cuốn sách hay được in đi in lại.

Nhà báo Phan Hiền - một cán bộ cách mạng lão thành, một chiến sĩ làm công tác tư tưởng của Đảng, làm quản lý báo chí và xuất bản đã được gần Bác, trực tiếp nghe Bác dạy bảo trong việc tổ chức viết và chỉ đạo phong trào “Người tốt, việc tốt” do Bác phát động.

Anh đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, trong việc “trồng người” và anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bác giao và được nhận huy hiệu do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng. Anh là một nhà báo rất lạc quan và yêu đời. Còn nhớ, khi về giải phóng thủ đô 1955, nhà báo Phan Hiền được đồng chí Trường Chinh giao nghiên cứu công tác xuất bản báo chí của Đảng.

Khi ấy, anh còn bỡ ngỡ, chưa biết làm sao. Đồng chí Trường Chinh thân mật vỗ vai, bảo: “Giao cho Phan Hiền con dao rựa, cứ thế chặt cây phát đường mà đi”. Rồi anh được đồng chí Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương phân công soạn thảo quy hoạch về báo chí cho miền Nam sau khi giải phóng 30-4, bao nhiêu nhiệm vụ nặng nề tưởng chừng khó khăn mới vượt qua, anh đã “khai sơn phá thạch” hoàn thành một cách xuất sắc.

Thế hệ trẻ hôm nay xem anh là tấm gương cao đẹp của một nhà báo, nhà cách mạng kiên cường, có trình độ lý luận tự học, tự tìm tòi được Quốc hội phân công tham gia soạn thảo Bộ luật Báo chí - Xuất bản đầu tiên của nước ta.

Tiếc thương nhưng rất đỗi tự hào về anh, thế hệ nhà báo hôm nay sẽ tiếp bước anh, như trong thơ Hoàng Trung Thông:

Con lớn lên viết tiếp thay cha
Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống
Ngày hôm nay viết tiếp ngày hôm qua…

Bến Nghé mùa hè 2011
ĐOÀN MINH TUẤN

Tin cùng chuyên mục