Giao dịch trực tuyến giúp tăng khả năng sinh lời của các doanh nghiệp

Chính phủ phải thực sự đóng vai trò là bệ đỡ cho quá trình số hóa của doanh nghiệp, để quá trình đó của doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng hơn.
Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp
Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp

Để tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia (CQG), ngày 19-5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”. 

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ và ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo chuyển đổi phương thức làm việc, đẩy mạnh chuyển sang làm việc trực tuyến, trong đó có cả việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử. Lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết TTHC điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các  giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số. Việc thực TTHC trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp. CQG là “kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” TTHC, bên cạnh đó việc thực hiện các TTHC thông qua CQG còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ ngành, địa phương.
Sau hơn 5 tháng khai trương, từ 8 nhóm dịch vụ công ban đầu, CQG đã tích hợp, cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp. Cổng cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến để người dân, doanh nghiệp nộp các nghĩa vụ tài chính liên quan, nhiều dịch vụ công được doanh nghiệp quan tâm thực hiện như thông báo hoạt động khuyến mại, cấp điện, nộp thuế, phí, lệ phí, kê khai, nộp thuế điện tử, đề nghị gia hạn thuế... Bắt đầu từ ngày 12-5, CQG cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Qua tài khoản CQG, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các bộ ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Đến nay, CQG đã có có trên 140.000 tài khoản đăng ký, trên 35 triệu lượt truy cập; trên 7,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua CQG.
Hệ thống cũng tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 395 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng, trong đó có 232 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp.
Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng CQG đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.
Giao dịch trực tuyến giúp tăng khả năng sinh lời của các doanh nghiệp ảnh 1 Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP

Theo ông Mai Tiến Dũng, đây là kênh hữu hiệu nhất để điện tử hóa các TTHC, tạo sự minh bạch, tăng cường sự giám sát của người dân, doanh nghiệp đối với việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.. Việc chuyển đổi sang phương thức làm việc sẽ không chỉ được thực hiện hiệu quả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội mà còn tiếp tục thực hiện trong điều kiện các hoạt động của xã hội đã trở lại bình thường.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione ấn tượng với sự phát triển của CQG, chỉ sau 5 tháng triển khai đã có hơn 35 triệu lượt truy cập. Theo ông, đại dịch Covid-19 có thể coi là cú hích, là một hồi chuông nhắc nhở để cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ đẩy mạnh quá trình số hóa.

“Đảm bảo kinh doanh liên tục trong thời đại hiện nay gần như là bất khả thi nếu không có công nghệ phù hợp. Các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chịu ảnh hưởng vì sự gián đoạn ít nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng”, ông Ousmane Dione nói.

Giao dịch trực tuyến giúp tăng khả năng sinh lời của các doanh nghiệp ảnh 2  Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione. Ảnh: VGP

Một nghiên cứu được thực hiện tại Singapore năm 2019 cho thấy việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, trí tuệ nhân tạo/ phân tích dữ liệu lớn có thể làm tăng năng suất và giá trị gia tăng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ lần lượt là 26% và 17%. Việc số hóa doanh nghiệp cũng có thể giúp tăng cường hoạt động kinh tế của một quốc gia. Theo ước tính, việc số hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN có thể tạo ra thêm 1.100 tỷ đô la giá trị GDP trên toàn khu vực vào năm 2025.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng nhấn mạnh, không phải vấn đề CQG cung cấp được bao nhiêu dịch vụ công, mà là sự thuận lợi khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Phải thực sự đơn giản hóa quy trình thủ tục, quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến, làm sao bảo đảm tiết kiệm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Và quan trọng nhất, Chính phủ phải hiểu được đâu là điểm nghẽn về TTHC để tháo gỡ cho doanh nghiệp, từ đó có sự tối ưu hóa về TTHC cho họ. Chính phủ phải thực sự đóng vai trò là bệ đỡ cho quá trình số hóa của doanh nghiệp, để quá trình đó của doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng hơn.

“Đại dịch Covid-19 là cơ hội để tất cả cùng nhìn nhận về vai trò quan trọng của quá trình số hóa. Chính phủ Việt Nam có cơ hội tận dụng, học hỏi  kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác để thúc đẩy nhanh quá trình số hóa, kể cả vấn đề thương mại điện tử. Số hóa thực sự đã giúp tăng khả năng sinh lời của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp hãy cố gắng số hóa với tốc độ nhanh nhất”, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói.

Tin cùng chuyên mục