GS Hoàng Tuỵ là một nhà Toán học nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho giáo dục Việt Nam. Ông là cha đẻ của lĩnh vực Tối ưu hóa toàn cục (Global Optimization) trong Toán học Ứng dụng và là sáng lập viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS.
GS Hoàng Tụy sinh ngày 17-12-1927, tại làng Xuân Đài, Điện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội của em ruột cụ Hoàng Diệu, nhà yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược nửa cuối thế kỷ XIX.
Năm 1964, GS Hoàng Tụy phát minh ra phương pháp "Lát cắt Tụy" và được coi là mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới, lý thuyết tối ưu toàn cục.
GS Hoàng Tụy có hơn 100 công trình khoa học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực khác nhau của toán học. Cuốn sách tối ưu toàn cục tiếp cận xác định mà GS Hoàng Tụy viết chung với GS Reiner Horst được đánh giá là cuốn "kinh thánh" của chuyên ngành tối ưu toàn cục. Với những công trình căn bản và khai sáng cho lĩnh vực tối ưu toàn cục, GS Hoàng Tụy cũng là người đầu tiên nhận được Giải thưởng Constantin Caratheodory năm 2011 do Đại hội Quốc tế tối ưu toàn cục đề xướng cho những cống hiến của ông.
Khi là Viện trưởng Viện Toán học, GS Hoàng Tụy dẫn dắt viện phát triển, khẳng định vai trò trụ cột trong nền toán học Việt Nam và quốc tế. Ông cũng là Tổng biên tập của 2 tạp chí toán học tại Việt Nam (1980-1990), ủy viên ban biên tập của 3 tạp chí toán học quốc tế. Với nhiều thành tựu xuất sắc, GS Hoàng Tuỵ được trao tặng các danh hiệu như Tiến sĩ danh dự trường Đại học Linköping, Thụy Điển (1995); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010); Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011).
Năm 1994, Viện Toán học đã được Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ 3 công nhận là trung tâm xuất sắc của các nước đang phát triển. GS Hoàng Tụy vinh dự được Đảng, nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật đợt I năm 1996.
Viết về GS Hoàng Tuỵ, GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam ghi: “GS Hoàng Tuỵ là người suốt đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Giáo sư Hoàng Tụy thường trăn trở với những vấn đề đặt ra cho giáo dục hiện nay. Nhiều bài viết của ông về các vấn đề giáo dục trên các báo đã gây những tiếng vang lớn. Nhưng không thể thấy hết lòng thiết tha với sự nghiệp giáo dục nếu chỉ đọc các bài viết của ông. Phải trực tiếp nghe ông nói. Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với những quan điểm nào đó của ông, nhưng không ai không cảm động trước nhiệt tình của ông khi trình bày những quan điểm đó. Không giống như những người đang phát biểu trong cuộc họp, ông như đang giãi bày tâm sự sâu nặng của mình. Và trong cách ông nói, dường như có cả sự day dứt của một con người khi chưa hoàn thành được ước nguyện nào đó của cuộc đời mình”...