Đầu giờ sáng, nhóm luật sư Đặng Văn Cường, Hoàng Thị Hương Giang (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương) trình bày các quan điểm bào chữa.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, viện kiểm sát truy tố ông Phạm Xuân Thăng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại khoản 3 điều 356 Bộ luật Hình sự, bị cáo đã nhận tội và không khiếu nại cáo trạng, tội danh này phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, luật sư cho rằng viện kiểm sát đề xuất mức hình phạt từ 5-6 năm tù đối với ông Thăng là quá nghiêm khắc, chưa phù hợp với tính chất, mức độ hành vi, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, khi Hải Dương bùng phát dịch, ông Thăng có chỉ đạo cho Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm. Song bối cảnh lúc đó, tình hình dịch bệnh cấp bách, bị cáo tin tưởng đề xuất từ lãnh đạo Bộ Y tế và căn cứ ý kiến đề xuất của các bên liên quan.
“Thời điểm này, bị cáo chưa gặp, có liên hệ hay hứa hẹn gì với Phan Quốc Việt cũng như nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ Công ty Việt Á”, luật sư Cường viện dẫn.
Luật sư đánh giá, lúc đó, ông Phạm Xuân Thăng nhận thức Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực xét nghiệm, đủ điều kiện cung cấp kit test và hỗ trợ máy móc, nhân lực cho CDC Hải Dương chống dịch. Những nội dung trên thể hiện rằng ông Thăng chỉ đạo cho Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố khách quan như đề xuất của cấp trên, cấp dưới trong các cuộc họp, nhận thức của bị cáo về năng lực của Công ty Việt Á.
Đối với cáo buộc ông Phạm Xuân Thăng chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, làm căn cứ để CDC Hải Dương hợp thức thủ tục đấu thầu dẫn đến vi phạm quy định về đấu thầu, luật sư cho rằng bị cáo Thăng không có chức năng, nhiệm vụ trong công tác đấu thầu.
Còn việc bị cáo chỉ đạo ký quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu chỉ là chủ trương, các cơ quan chuyên môn khác phải có trách nhiệm thực hiện đúng quy trình đấu thầu theo quy định pháp luật.
Về nhân thân, người bào chữa dẫn các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Phạm Xuân Thăng có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Đây cũng là lần đầu tiên ông này phạm tội. Đáng chú ý, luật sư cho biết trước khi tòa xét xử, hơn 100 cán bộ, giáo viên và học sinh trường THPT Cầu Xe, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) là nơi ông Thăng từng công tác giảng dạy đã gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông.
Trước đó, bào chữa cho bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN), luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết, thân chủ của mình đã thừa nhận hành vi phạm tội và chỉ mong hội đồng xét xử xem xét bối cảnh khách quan, đánh giá toàn diện vụ án. Liên quan đến cáo buộc ông Chu Ngọc Anh ký quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu kit test, giao cho Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á thực hiện là trái quy định của pháp luật, luật sư Chiến cho rằng, việc bị cáo Chu Ngọc Anh ký các quyết định là trong bối cảnh cấp bách. Trong khi đó, lúc này chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị, với tư cách là người đứng đầu Bộ KH-CN, ông Chu Ngọc Anh đã trao đổi với cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc để tổ chức cuộc gặp với các nhà khoa học, xin ý kiến, góp ý, khuyến cáo.
Còn đối với cáo buộc đưa kit test sản xuất thương mại trái quy định, luật sư Chiến cho rằng, đề tài này dừng ở mức nghiên cứu quy trình, Bộ KH-CN không chịu trách nhiệm sản xuất thương mại, đây là nội dung nằm ngoài phạm vi đề tài, vấn đề sản xuất thương mại là trách nhiệm của Bộ Y tế. Theo luật sư, đề tài vẫn thuộc phạm vi quản lý của Học viện Quân y nên trách nhiệm chính là Học viện Quân y...
Từ đó, luật sư đề nghị cho ông Chu Ngọc Anh được hưởng mức án bằng thời gian giam giữ. Trước đó, bị cáo Chu Ngọc Anh bị viện kiểm sát đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) cho biết, thân chủ của mình có quá trình công tác gần 30 năm phục vụ nhà nước. Quá trình công tác, bị cáo đã không quản ngại khó khăn, vất vả, luôn âm thầm, cố gắng, cống hiến, hoàn thành tốt công việc được giao.
Đặc biệt, trong suốt quá trình công tác, bị cáo Trịnh ít có thời gian dành cho gia đình. Ngay cả khi mẹ ruột ốm đau, bệnh tật, do yêu cầu công việc bị cáo phải công tác xa nhà, không được ở bên để chăm sóc, phụng dưỡng.
"Với trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế hết sức đa dạng, phong phú đã tích luỹ trong quá trình công tác, nếu được tạo cơ hội, sớm trở lại với xã hội, cộng đồng, cho dù không còn là công chức nhà nước nữa, bị cáo cũng sẽ tiếp tục lao động, làm việc để có những đóng góp hiệu quả, có ích cho cộng đồng, gia đình, xã hội nên rất mong hội đồng xét xử xem xét", luật sư nói tại phiên toà.