Chúng có thể nhịn nước nhiều ngày, chiến đấu chống lại mãnh thú giúp chủ và biết tìm ra cây leo có nước giữa rừng già cho con người giải khát…
Năm 2010, trong mùa thu hoạch bắp, cả bản của người A Rem như chết lặng trước nhiều rẫy bắp bị khỉ tàn phá. Điều đáng ngại là các nhóm khỉ ở hang động đưa bắp khô vào các hang đá, chất thành từng đống rải rác. Nhiều nhóm người vào lấy lại bắp bị đánh cắp đa phần đều bất thành bởi khỉ mặt đỏ dữ tợn, đông đúc và hiếu chiến. Hôm đó, già làng Đinh Rầu cùng một số dân bản như Đinh Tân, Đinh Cu vào hang khỉ hòng lấy lại chút bắp về ăn. Mấy người đàn ông đi vào cùng 2 con chó săn. Khỉ đầu đàn huy động cả bầy lao vào đánh chó, đuổi người.
Ông Đinh Rầu kể: “Mình về tính toán và quyết định dắt 5 con chó theo, hôm sau lại vào động khỉ. Con chó săn nhà mình dẫn đầu, vừa đi nó vừa sủa vang góc rừng, bọn khỉ thám thính thấy thế thì rung cây đe lại. Nó không sợ, càng sủa hăng, 4 con chó săn còn lại cùng sủa theo, khỉ lính canh im bặt”.
Vào hang, khỉ đầu đàn nhảy trên ụ đá xuống, nhe nanh ra hiệu cả bầy khỉ xông vào dọa chó, đánh người. A Ki, con chó săn lão luyện của già Đinh Rầu đứng giữa đối đầu với mặt đỏ đầu đàn, 4 con chó còn lại chạy quay nền hang săn đuổi những con khỉ yếu vía. A Ki cùng khỉ đánh nhau hồi lâu, con đầu đàn bị thương phải rút lui vào sâu trong hang đá, đàn khỉ dưới trướng chạy theo, để lại mấy tạ bắp cho người dân đưa về.
Năm 2011, tin hổ xuất hiện được báo cáo từ Trưởng công an xã Đinh Cu, sau đó là lời kể tận mắt thấy của chị Y Băng, rồi anh Đinh Ngàn cũng vừa mới chạm trán với “ông ba mươi”. Đinh Cu thấy hổ ở vùng Rục Khe Tum, kể: “Đêm mình ở trong lán, mấy con chó đi theo thường nghe động của bầy lợn rừng là lao ra sủa rất hăng, nhưng đêm có hổ nó không sủa, lại chui nép dưới lán, cả 3 con chó nhà mình là chó săn mà phải nằm một xó, mình dậy chiếu đèn pin thì thấy con hổ thật, to lắm, sợ chết khiếp”.
Bí thư xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sĩ xác nhận người dân báo có hổ là chuyện thật, lúc đó có một nhóm công nhân làm đường 20 giữa vùng lõi, đi lấy củi về thổi cơm còn gặp hổ ở cây số 24. Đinh Tân nói, chó săn ở đây không chỉ săn dã thú hăng hái mà khi biết chúa sơn lâm xuất hiện giữa bóng đêm, chúng đang sủa lớn liền im lặng một cách bất ngờ, người phải vào lán đóng kín vách, cố thủ trong đó.
Già Đinh Rầu kể, con chó của dân bản còn chăm sóc chủ rất tinh tường. Bởi thế, chúng với dân bản như hình với bóng. Giữa rừng mưa nhiệt đới Phong Nha - Kẻ Bàng, đi rừng vào mùa hè, các suối nước trên vùng núi đá vôi không còn một giọt, mọi thứ đều thấm hết vào đá. Người dân mang nước theo cũng hết sạch chỉ trong 1-2 ngày. Thứ cây họ uống được là dây leo Ma Dăng, to như cổ tay, chặt ra nước chảy trong đó thành dòng, uống đã khát, hoặc gặp rừng cây lồ ô, nguồn nước cứu tinh bên trong đủ dùng cho cả nấu ăn. Nhưng giữa rừng rậm, nhiều nơi không phải lúc nào cũng có Ma Dăng, con chó đi theo trở thành “thần” kiếm nước. Nó rúc vào sâu trong bụi, đánh hơi cây Ma Dăng mọng nước, gặp được sẽ sủa để chủ biết vào chặt, cả người và chó chia nhau giọt nước quý hiếm để đi tiếp đoạn đường sinh tồn giữa rừng Kẻ Bàng. Bởi vậy, với người A Rem khi chó chết đều được chôn cất. Chó của người A Rem được tương truyền là từ giống chó hoang của núi rừng, sau đó tổ tiên A Rem thuần hóa và trở nên trung thành, bền sức nhanh nhẹn, chung thủy với con người.