Giữ giá trần với dịch vụ hàng không và sách giáo khoa

Chính phủ thống nhất với UBTVQH về các nội dung tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Giá (sửa đổi) theo hướng không đưa mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi và thịt heo (lợn) vào danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo luật.
Chính phủ giải thích, cần quy định giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và những người có thu nhập thấp được tiếp cận với các hãng hàng không
Chính phủ giải thích, cần quy định giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và những người có thu nhập thấp được tiếp cận với các hãng hàng không

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Giá sửa đổi (dự thảo). Dự thảo luật này sẽ được Quốc hội biểu quyết vào ngày 19-6, ngày đầu tiên của đợt 2, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Trước đó, ngày 12-6, sau khi Quốc hội thảo luận tại hội trường, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo.

Tại báo cáo ngày 17-6 nêu trên, Chính phủ thống nhất với UBTVQH về các nội dung tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Giá (sửa đổi) theo hướng không đưa mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi và thịt heo (lợn) vào danh mục hàng hoá, dịch vụ bình ổn giá tại dự thảo luật.

Chính phủ cũng dự kiến định giá “dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa” và giá sách giáo khoa theo hình thức giá tối đa (giá trần). Khi thảo luận tại hội trường, bên cạnh ý kiến đề nghị bỏ hẳn giá trần, giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển khách hàng không nội địa, một số ĐB ủng hộ phương án tại dự thảo luật là quy định giá trần đối với dịch vụ/ mặt hàng đặc biệt này.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật chỉ có dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa hạng phổ thông mới thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá; còn hạng thương gia, phổ thông đặc biệt thì các doanh nghiệp hàng không tự định giá theo cơ chế thị trường.

Chính phủ giải thích cần giữ giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và những người có thu nhập thấp được tiếp cận với các hãng hàng không, đa dạng hóa và từ đó giảm được chi phí xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay có 6 hãng hàng không nội địa, việc cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa cần phải quy định giá trần để đảm bảo quản lý của Nhà nước, vì Nhà nước đã luôn luôn chia sẻ với các doanh nghiệp này. Chẳng hạn trong vài năm qua, Nhà nước đã giảm 70% thuế môi trường trong xăng dầu hàng không để hỗ trợ giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục