Ngày 11-9, lễ khai giảng lớp tiếng Việt năm học 2019-2020 cho con em cộng đồng người Việt đã được tổ chức tại Trung tâm Ngoại ngữ Up & Go, Trường THPT số 308, thủ đô Kiev của Ukraine.
Việc dạy và học tiếng Việt từ lâu đã là một nhu cầu thiết yếu của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mặc dù hành trình để dạy và học tiếng Việt ở xứ người vô cùng gian nan về địa điểm học tập, kinh phí hoạt động, giáo viên… nhưng các thế hệ người Việt Nam xa xứ luôn quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt như một việc làm tất yếu để gìn giữ bản sắc dân tộc.
Tới dự lễ khai giảng có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, Hội Người Việt Nam và Hội Phụ nữ thành phố Kiev; các hội đoàn, tổ chức xã hội người Việt Nam tại Kiev, các nhà tài trợ, các bậc phụ huynh và gần 50 học sinh lớp tiếng Việt. Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam, Tham tán Hồ Trung Thanh gửi lời chào mừng tới các thầy cô và các em học sinh nhân dịp năm học mới 2019-2020; bày tỏ vui mừng về sự phát triển của lớp học tiếng Việt tại Kiev và đánh giá cao nỗ lực của thầy cô, học sinh trong việc tổ chức cuộc thi Olympic tiếng Việt vào cuối năm học trước.
Mặc dù chỉ khoảng 50 học sinh, nhưng lớp tiếng Việt dành cho con em kiều bào đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Người Việt Nam thành phố Kiev. Đây là lễ khai giảng lần thứ hai, hiện tại lớp được chia thành 4 nhóm theo độ tuổi, học từ thứ ba đến thứ sáu hàng tuần, sau giờ học ở trường phổ thông.
Việc duy trì và phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Ukraine nói riêng và ở nước ngoài nói chung luôn vô cùng gian nan, nhưng việc làm này là cần thiết, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam. Những bậc cha mẹ, giáo viên người Việt ở Ukraine đang cùng nỗ lực không ngừng để lan tỏa, gìn giữ tiếng Việt, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ gốc Việt. Họ ý thức rằng, đối với thế hệ trẻ, thế hệ thứ 2, 3, 4 sinh ra ở nước ngoài cần đưa việc giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho thế hệ này để họ đoàn kết cùng hướng về đất nước.
Do điều kiện khách quan và chủ quan, việc dạy và học tiếng Việt diễn ra với các mức độ và kết quả khác nhau tùy thuộc vào từng địa bàn và thuận lợi hơn ở các quốc gia nơi tiếng Việt được công nhận và coi trọng. Tuy xuất phát điểm khác nhau, ra đi và định cư ở nước ngoài vì những lý do khác nhau, điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay khác nhau, thậm chí trong cộng đồng còn tồn tại một số khác biệt về mặt này mặt khác, nhưng bà con kiều bào ta vẫn mong muốn và nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ dân tộc.
Có thể nói, dù sống ở đâu, người Việt ở khắp nơi trên thế giới vẫn không quên bản sắc văn hóa dân tộc mình, từng ngày, từng giờ nỗ lực gìn giữ ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho thế hệ trẻ nơi xa xứ, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.