(SGGP).- Ngày 15-11, hội thảo quốc tế về biển Đông lần thứ VIII tiếp tục được tổ chức tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với chủ đề “Biển Đông, hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”.
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, những diễn biến gần đây ở biển Đông; các khía cạnh pháp lý, kinh tế, an ninh chính trị và lịch sử của tranh chấp biển Đông và triển vọng về các giải pháp quản lý và giải quyết tranh chấp trong khu vực. Đáng chú ý, phiên thảo luận của hải quân và các lực lượng chấp pháp trên biển các nước trong khu vực đã đem đến những ý tưởng và luận điểm mới tại hội thảo lần này.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu nêu ra quan ngại khi tình hình cải tạo các đảo nhân tạo của Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại và việc cải tạo này đã có những động thái phục vụ cho việc quân sự hóa trên các đảo do Trung Quốc kiểm soát. Trả lời về nhận định tình của Việt Nam sau phán quyết này 12-7 của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện Philippines - Trung Quốc ở biển Đông, ông Nguyễn Vũ Tùng cho biết, phán quyết là sự khẳng định rõ ràng tinh thần thượng tôn pháp luật. Hội nghị lần này cũng nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu khi các ý kiến đều cho rằng, cần sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Về những diễn biến gần đây, các học giả chia sẻ nhận định tình hình có vẻ hòa dịu hơn sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, song mâu thuẫn trên thực địa vẫn không thay đổi về bản chất. Các hoạt động xây dựng, lắp đặt trang thiết bị phục vụ mục đích quân sự và do thám ở các điểm đảo Chữ Thập, Vành Khăn và Subi không giảm tốc độ, cho thấy Trung Quốc không thay đổi mục tiêu dài hạn là giành toàn quyền kiểm soát biển Đông. Đó là một nguyên nhân quan trọng gây ra căng thẳng trong khu vực. Do vậy, các đại biểu nhấn mạnh, các nước trong khu vực cần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở biển Đông.
VĂN NGỌC