Hướng đến Ngày hội Toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc 19-8

Giữa đời thường rạng lên những gương sáng phố phường

Giữa đời thường rạng lên những gương sáng phố phường

Điểm chung nhất giữa họ là sự giản dị, chất phác, lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến. Họ không phải là 5 người cũng không phải 50 hay 500 người mà họ là hàng ngàn, hàng triệu những tấm gương sáng, những bông hoa giữa đời thường đang ngày đêm miệt mài vì sự bình yên của TPHCM. Năm bông hoa trong đêm giao lưu “gương sáng phố phường” diễn ra đêm 17-8 tại Cung Văn hóa Lao động là điển hình…

  • Nụ cười thay những chiến công…
Giữa đời thường rạng lên những gương sáng phố phường ảnh 1
Thiếu tướng Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc CATPHCM, tặng hoa chúc mừng các điển hình "Gương sáng phố phường".

Có lẽ điều bất ngờ đối với những người có mặt tại buổi giao lưu là khi người dẫn chương trình giới thiệu chị Phạm Thị Ngọc Minh, nhân viên Phòng Kinh doanh Tổng Công ty Dệt may Việt Nam.

Dáng người nhỏ bé, hiền lành và xinh xắn của chị khi bước lên sân khấu đã làm cả hội trường ồ  lên khi nghe giới thiệu chị đã trực tiếp đuổi và phối hợp với các chiến sĩ công an bắt gọn 2 tên cướp giật tại địa bàn quận 4 hồi tháng 8-2005. “Khi thấy 2 tên đi xe máy cướp giỏ của một khách du lịch tại cầu Khánh Hội, theo quán tính tôi đuổi theo, cũng chẳng kịp nghĩ gì đến nguy hiểm và khi đi ngang qua một đồn công an tôi tri hô để các anh công an cùng đuổi theo bắt tên cướp…” - chị Minh kể chuyện bắt cướp đơn giản như những công việc chị làm hàng ngày tại cơ quan. “Về kể nhà tôi mới thấy sợ, chứ khi đó cứ chạy hết ga, chẳng biết chạy bao lâu nữa, cũng chẳng dám chặn chúng vì mình là phụ nữ, chỉ mong gặp mấy anh công an để mình tri hô… mình làm điều đúng sẽ luôn được mọi người ủng hộ thôi. Tôi nghĩ sau chuyện tham gia bắt cướp của tôi, gia đình và bạn bè và những người dân khác sẽ mạnh dạn và tự tin hơn khi đối mặt với những kẻ xấu…” - chị Minh tâm sự.

Một ngạc nhiên nữa trong buổi giao lưu là sự xuất hiện của bác Nguyễn Thị Phương (60 tuổi). Nhà nghèo nhưng bác luôn quan tâm giúp đỡ người cơ nhỡ, nghèo khó trong cuộc sống. Xin đi nuôi bệnh trong bệnh viện Nguyễn Tri Phương để dành tiền giúp trẻ em nghèo. Tự mình liên lạc với Viện Y học Dân tộc để tìm phương cách cai nghiện tại nhà cho nhiều trẻ em trong khu phố. “Khu phố 4 phường 10 quận 3 là khu vực nghèo nhất và phức tạp nhất quận. Tôi tận mắt chứng kiến có gia đình có 2 đứa con trai đều bị nghiện, gia đình khác từ ông nội đến cháu cũng bị nghiện, bức xúc quá nên tôi tự nguyện vận động các cháu đi cai nghiện hoặc cai nghiện tại nhà….”. Được sự ủng hộ của các cơ quan đoàn thể, 300 người được bác Phương vận động giúp đỡ để cai nghiện ma túy, có em sau này tham gia nghĩa vụ quân sự đã trở thành chiến sĩ giỏi… Năm 2004 bác Phương được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về công tác xã hội nhân đạo; bằng khen “người tốt việc tốt” của TPHCM trong nhiều năm; nhiều bằng khen, giấy khen của quận….

Là điển hình cho hàng trăm, hàng ngàn những tấm gương tiêu biểu, những bông hoa giữa đời thường, họ chẳng biết nói gì khi được hỏi về mình, chỉ biết cười về chiến công của mình trước những tràng vỗ tay của những người tham dự buổi giao lưu. Như  thượng úy Trần Quốc Bình (CSKV khu phố 8, phường 4 quận Tân Bình). Người có công lớn trong việc kiên quyết dẹp bỏ các tụ điểm tệ nạn, các vấn đề xảy ra trong khu phố, để có được một khu phố an toàn, trật tự, một khu phố văn hóa như hôm nay. Nhiều năm liền là chiến sĩ giỏi, năm 2005 đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua.

  • Chúng tôi tự hào về đồng đội mình…

Mặc dù đến 20 giờ 30 chương trình giao lưu “gương sáng phố phường” do Báo Công an TPHCM, Cung Văn hóa Lao động và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp tổ chức mới chính thức được bắt đầu, nhưng ngay từ 18 giờ 30 đã có hàng trăm cán bộ chiến sĩ cảnh sát, học viên các trường nghiệp vụ cảnh sát cùng đông đảo đoàn viên thanh niên TPHCM đã có mặt.

Họ đến để giao lưu với những người dân sát cánh cùng đồng đội mình trên trận tuyến phòng chống tội phạm, để tự hào về những tấm gương hy sinh cao cả của đồng đội mình. Cả hội trường lặng đi khi hoạt cảnh “Ánh lửa trong đêm” nói về những phút cuối, sự hy sinh của trung úy liệt sĩ Nguyễn Thanh Dũng, người chiến sĩ công an quận 11 đã bị nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ.

Không chỉ riêng anh mà người vợ hiền của anh cũng bị lây nhiễm căn bệnh thế kỷ từ chồng mình đã ra đi, để lại đứa con trai vừa lên 10 tuổi. Buổi giao lưu khép lại không chỉ để lại lòng tự hào về tấm gương dũng cảm hy sinh, gan dạ trong đấu tranh chống tội phạm mà còn mang theo lời nhắn gửi đến các thế hệ chiến sĩ công an, những đoàn viên thanh niên và cả những người dân TP: hãy sống xứng đáng là người dân của TP mang tên Bác và vì một đất nước bình yên.

CHIẾN DŨNG

Tin cùng chuyên mục