Giúp người dân tiếp cận hàng hóa giá tốt

TPHCM đang tăng cường đẩy mạnh hoạt động liên kết với hơn 40 tỉnh, thành trong cả nước để phát triển và tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động kết nối 2 chiều này giúp các địa phương được mở rộng đầu ra sản phẩm, người tiêu dùng được tiếp cận nguồn hàng phong phú, giá cả hợp lý.

Dễ dàng tiếp cận đặc sản địa phương

Thống kê của ngành công thương TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, hơn 3.000 siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ hiện đại. Những kênh phân phối này hiện đang là nơi phân phối các sản phẩm hàng Việt của nhiều địa phương trên cả nước. Do vậy, người tiêu dùng khi tới bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào trên địa bàn đều dễ dàng mua sắm các loại nông sản như xoài cát Hòa Lộc (Đồng Tháp), bưởi da xanh (Bến Tre), trà atisô (Lâm Đồng) hay măng cụt Long Khánh (Đồng Nai), sầu riêng (Tiền Giang)… Chị Trần Thị Thắm (quê Thái Nguyên) chia sẻ, nếu như trước đây khó tìm mua những loại đặc sản miền Bắc, có khi phải chờ người ở quê gửi vào thì nay chỉ cần ghé siêu thị là có đầy đủ. “Từ miến dong, rau rừng, thậm chí là các loại quả theo mùa vụ đều dễ dàng tìm mua ở một số siêu thị lớn, giá cả rất phải chăng”, chị Thắm cho biết.

Kết nối cung cầu giúp các nhà bán lẻ tìm được nguồn hàng chất lượng đưa vào siêu thị

Kết nối cung cầu giúp các nhà bán lẻ tìm được nguồn hàng chất lượng đưa vào siêu thị

Để có kết quả như trên, Sở Công thương TPHCM và Sở Công thương các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp hay các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nam bộ… đã tổ chức kết nối trực tiếp cho các doanh nghiệp bán lẻ với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông sản. Thông qua những kết nối này, các nhà bán lẻ đã ký kết hỗ trợ tiêu thụ và lựa chọn sản phẩm chất lượng của các địa phương này đưa vào kênh bán lẻ tiêu thụ. Điển hình như Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhiều năm nay đã liên tục tham gia các chương trình kết nối cung cầu giữa TPHCM với các tỉnh, thành trên cả nước, qua đó tìm được nguồn hàng hóa đưa vào hệ thống của mình. Theo nhà bán lẻ này, chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Saigon Co.op đã thực hiện hàng loạt buổi ký kết với doanh nghiệp ở các địa phương vùng duyên hải Nam Trung Bộ, các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang. Qua đó, đưa rất nhiều loại nông sản, đặc sản như rau rừng, gạo, hạt điều, cùi bưởi sấy, trà bưởi, dưa lưới, mãng cầu, xoài vào hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra…

“Trước đây, khi TPHCM triển khai hợp tác với các tỉnh thành, chúng tôi có ký kết hợp tác với các nhà cung cấp địa phương nhưng ký kết mang tính định hướng là chính. Thời gian gần đây, những ký kết của chúng tôi mang tính chiều sâu hơn và có chuẩn bị kỹ qua sự hỗ trợ giới thiệu của tỉnh, của ngành công thương và ngành nông nghiệp để chọn những doanh nghiệp, HTX có tiềm lực cung ứng”, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ.

Tăng kết nối hai chiều

Theo ngành công thương TPHCM, hoạt động kết nối 2 chiều giúp các địa phương được mở rộng đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp và người tiêu dùng được tiếp cận nguồn hàng phong phú, chất lượng, giá cả hợp lý. Đặc biệt, việc đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển này ngoài quảng bá sản phẩm còn giúp các doanh nghiệp, HTX có đầu ra ổn định, nhất là trong giai đoạn sức mua đang có phần sụt giảm như hiện nay. Theo bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, kết nối giao thương với TPHCM đã mở ra cơ hội rất lớn cho sản phẩm của doanh nghiệp và nông dân Đồng Tháp.

Do vậy, sở luôn cam kết giới thiệu những nông dân có sản phẩm chất lượng, uy tín, sản lượng đủ lớn để cung cấp đến tay người tiêu dùng TPHCM. Với tỉnh Long An, bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương, khẳng định doanh nghiệp trong tỉnh rất hào hứng và luôn chủ động đăng ký tham gia các đoàn xúc tiến thương mại với TPHCM. Bởi lẽ sau mỗi lần tham gia, hầu hết doanh nghiệp thu về kết quả ngoài mong đợi. “Việc đưa sản phẩm đến các nhà phân phối ở TPHCM là một thành công trong quảng bá, tiếp cận người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu khách hàng để có những thay đổi phù hợp”, bà Châu Thị Lệ cho biết.

Phát huy những kết quả đạt được, kế hoạch từ nay đến cuối năm, Sở Công thương TPHCM cho biết sẽ tiếp tục kết nối với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương, cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh hiện nay. Nổi bật là Hội nghị kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2023 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 21 đến 24-12 tại Nhà thi đấu TDTT Phú Thọ. Thông qua những hoạt động này, Sở Công thương TPHCM kỳ vọng không chỉ tạo sân chơi cho doanh nghiệp, HTX ở các địa phương mà còn tạo cầu nối để người tiêu dùng thành phố được tiếp cận sản phẩm chất lượng với giá tốt.

Tin cùng chuyên mục