Có nhiều điểm phát thực phẩm từ thiện: Trước quán cà phê 2F đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), 420 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), 6A Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), 6 Phan Kế Bính (quận Ba Đình), 31 Lương Khánh Thiện - tượng đài Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), 1 Xa La (quận Hà Đông).
Mỗi ngày từ 9 giờ tới 16 giờ, có hàng ngàn suất lương thực được các điểm cung cấp cho người dân. Đây là tấm lòng tự nguyện của những người hảo tâm hỗ trợ cộng đồng. Ở mỗi điểm đều có 2-4 người làm nhiệm vụ trông coi, thống kê lượng người đến nhận hoặc ủng hộ bằng tiền, vật phẩm. Tại điểm phát quà, các tình nguyện viên vẫn nhắc: “Nếu bạn cần, hãy lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác!”, thậm chí ghi lời dặn này vào phông bạt treo bên cạnh, để người dân ý thức cân nhắc xem mình có thực sự cần thiết lấy thực phẩm miễn phí hay không. Đó là cách làm từ thiện khéo léo, để những phần quà đến đúng tay người cần giúp.
Bà Phương Uyên (một cán bộ về hưu là tình nguyện viên phát thực phẩm cho người dân tại điểm cà phê 2F) cho biết: “Ngày cao điểm nhất tại đây phát tới 1.000 phần quà. Gồm gạo, gia vị, mì tôm, xúc xích, chuối, người nghèo cần gì thì tự lấy. Để đảm bảo quy định phòng dịch, mọi người được nhắc mang khẩu trang và giữ giãn cách”.
Nhiều người dân đã tự nguyện mang đến vài ký gạo, chục quả trứng, thùng mì tôm... để đóng góp ủng hộ việc thiện nguyện. Trong ngày 8-4 tại điểm cà phê 2F, một người chở hàng thuê đã tranh thủ giờ nghỉ trưa chạy đến để ủng hộ 500.000 đồng. Ông chỉ nói rằng: “Cho tôi được góp phần giúp người nghèo, cùng chung sức chống dịch”, rồi quay xe đi nhanh, không để lại thông tin tên tuổi. Cũng tại điểm này, 3 mẹ con chị Q. đi ô tô mang theo bao gạo 60kg, thùng mì tôm và 30 gói gia vị vừa mua để mang đến ủng hộ. Chị Q. không muốn giới thiệu về mình, chỉ cho biết: “Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, tôi cũng đã nhiều lần ủng hộ bằng cách nhắn tin, chuyển khoản. Nhiều người, nhiều gia đình bình thường đã nghèo khổ, giờ dịch bệnh, cách ly xã hội, mất việc, không có thu nhập, chắc chắn sẽ rất túng thiếu, nên mình có thể giúp được thì nên giúp”.
Trong cuốn sổ của nhóm thiện nguyện ghi tên các cá nhân, tổ chức đóng góp ủng hộ tiền, quà giúp người nghèo vượt khó, danh sách cứ dài thêm hàng ngày. Do vậy, những điểm phát thực phẩm giúp người nghèo sẽ đủ quà để giúp người khó khăn cho tới khi hết dịch.