Gỡ vướng chính sách phát triển nhà ở xã hội

Tại hội thảo “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội (NƠXH) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030” do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội, các chuyên gia đã lý giải nguyên nhân khiến NƠXH gần như “biến mất” khỏi thị trường hiện nay và đưa ra nhiều giải pháp để người nghèo đô thị có cơ hội “an cư”.
Nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm), hình mẫu trong phát triển nhà ở xã hội của TP Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG
Nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm), hình mẫu trong phát triển nhà ở xã hội của TP Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Nhà ở xã hội chỉ chiếm 1,02% nguồn cung

Theo Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành 249 dự án NƠXH cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô hơn 104.200 căn hộ, tổng diện tích khoảng 5,4 triệu m². Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn hộ. Tuy nhiên, con số này còn thấp so với kế hoạch, mới chỉ đạt 42% so với mục tiêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020. Đặc biệt, tỷ trọng cung cấp NƠXH trong tổng lượng cung nhà ở chỉ chiếm 1,02%. Thực tế ghi nhận tại các địa phương cũng cho thấy, số lượng nhà giá thấp (dưới 2 tỷ đồng) đã giảm mạnh từ năm 2020. Hiện các dự án có căn hộ mức giá dưới 25 triệu đồng/m² còn không đáng kể. Tại Hà Nội, có một số ít dự án NƠXH với mức giá dưới 20 triệu đồng/m² đang mở bán ở các khu vực xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển như ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, quận Hà Đông. Còn tại TPHCM, hầu như không có dự án căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m². Trong khi đó, theo thông tin vừa được các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) công bố, giá nhà đất vẫn đang tăng ở mọi phân khúc, trong đó loại căn hộ mức giá rẻ lại có mức tăng cao nhất. Theo khảo sát của Dự án Xây dựng chính sách tổng thể NƠXH tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030, do Cơ quan Hợp tác quốc tế KOICA (Hàn Quốc) hỗ trợ thực hiện, trong 5 năm gần đây, giá NƠXH tại TPHCM đã tăng khoảng 20%. 

Cầu vượt cung quá xa khiến tình trạng tiêu cực trong mua bán suất mua nhà NƠXH vẫn diễn biến phức tạp. Thời gian gần đây, trên thị trường Hà Nội lại xuất hiện tình trạng rao bán các suất mua NƠXH. Đơn cử, dự án NƠXH Hạ Đình (quận Thanh Xuân) và dự án NƠXH NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) dù mới đang tiến hành các thủ tục pháp lý đầu tư, chưa đủ điều kiện mở bán nhưng vẫn đang được một số nhân viên môi giới BĐS rao bán suất với mức giá 150 triệu đồng/căn - nếu chọn căn, chọn tầng mức giá có thể cao gấp đôi. Không ít người dân do nhu cầu quá cấp bách đã xuống tiền mua suất, bất chấp rủi ro. 

Nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, TP Hà Nội), một hình mẫu trong phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: VIẾT CHUNG


Điều chỉnh cơ chế để thu hút nhà đầu tư

Theo ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), nguồn cung NƠXH chưa đáp ứng nhu cầu do việc phát triển loại hình này đang gặp nhiều vướng mắc. Trước hết, nguồn vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội thấp - trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu). Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH đến nay vẫn chưa được bố trí. Tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, quỹ đất cho phát triển NƠXH chưa xác định rõ, quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH chưa thực hiện nghiêm hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách phát triển NƠXH chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, có một số điểm chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. 

Để phát triển NƠXH, ông Bùi Xuân Dũng cho biết nhiều khó khăn vướng mắc trong chính sách phát triển NƠXH sẽ được tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới. Trước mắt, Bộ Xây dựng báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí thêm nguồn vốn theo Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ để cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ cho vay NƠXH. 

Ngày 20-4, Cơ quan Hợp tác quốc tế KOICA (Hàn Quốc) đã bàn giao kết quả Dự án Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc cho Bộ Xây dựng. Theo kết quả dự án, các chuyên gia đã khảo sát thực trạng NOXH tại 8 đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương... Từ kết quả khảo sát, các chuyên gia dự báo giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần 524.576 căn hộ, tương đương 34.756m2. Trong đó, TPHCM cần 198.821 căn hộ, tương đương 13.035m2. Các chuyên gia Hàn Quốc cũng nêu ra một số giải pháp, trong đó có việc cần mở rộng hình thức tiết kiệm nhà ở của ngân hàng chính sách xã hội, tập trung vào đối tượng công nhân viên chức, lao động tại các khu công nghiệp. Để thu hút nhà đầu tư, các địa phương nên điều chỉnh cơ chế, chính sách để nhà đầu tư tăng mức lợi nhuận khi triển khai các dự án NƠXH...

BÍCH QUYÊN

--------------

Gian nan nhà ở xã hội tại TPHCM



Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong năm 2020 TPHCM đã hoàn thành 4 dự án với 4.204 căn hộ NƠXH. Tổng cộng lũy kế giai đoạn 2016-2020, có 15.177 căn hộ được xây, chỉ đạt 75,89% so với kế hoạch (20.000 căn).  
Gỡ vướng chính sách phát triển nhà ở xã hội ảnh 2 Sân chơi trẻ em ở chung cư Tô Hiến Thành, phường 12, quận 10, TPHCM. Ảnh: MINH KIỆT
Lý giải nguyên nhân thị trường thiếu nguồn cung dự án và căn hộ NƠXH, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, phân tích, cơ chế chính sách cho NƠXH chưa đồng bộ và sát thực tế dù đã có nhiều quy định mới. Trong đó, nguyên nhân trước hết là gần như chưa kịp thời bố trí được nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất cho đối tượng hưởng chính sách NƠXH. Nhà nước cũng chưa thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án NƠXH trong giai đoạn 2015-2020 theo quy định của pháp luật, khiến nhiều chủ đầu tư phải vay đầu tư với lãi suất thương mại cao, làm tăng giá thành NOXH. Chính quyền cũng chưa tạo được môi trường đầu tư thông thoáng để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phát triển NƠXH. Trong khi đó, một số quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý được quy hoạch phát triển NƠXH nhưng lại bị “bỏ không” nhiều năm qua vì chưa có tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, điển hình là khu đất sạch khoảng 20ha dành phát triển NƠXH tại Khu công nghệ cao TP.  Trong buổi gặp gỡ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với lãnh đạo UBND TPHCM gần đây, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng đầu tư bất động sản Lê Thành, đơn vị chuyên xây dựng NƠXH, cho biết, “đang cân nhắc” có làm NƠXH nữa không vì quá nhiều thủ tục khó khăn, nhiều người khuyên chuyển sang làm nhà ở thương mại cho an toàn. Ví dụ tại dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên, huyện Bình Chánh, dù đã được UBND TPHCM chỉ đạo trực tiếp tháo gỡ vướng mắc nhưng sau 3 năm thực hiện nay phải làm lại thủ tục từ đầu. Quy định thời gian xử lý hồ sơ của cơ quan chức năng là 215 ngày nhưng thực tế việc xử lý hồ sơ có thể kéo dài hơn rất nhiều vì hồ sơ phải “chạy” giữa các sở ngành, quận huyện…
LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục