Góc khuất công sở

Ở đa số các câu chuyện, người quấy rối tình dục nơi công sở thường là người có vị thế, tiền tài, họ dùng sức mạnh ấy để cho phép mình “vui đùa” với cấp dưới. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
“Tôi đã từng dằn vặt bản thân sao không tỏ thái độ ngay khi bắt gặp ánh nhìn đầy ẩn ý của sếp, từ cái đá chân dưới gầm bàn, từ cái vuốt tóc để rồi họ được đà lấn tới, họ sẵn sàng thể hiện những hành động xa hơn như buông lời gạ gẫm, hay đụng chạm vào những nơi nhạy cảm trên cơ thể. Tôi vẫn tự hỏi, sao lúc ấy mình không tỉnh táo hơn, bình tĩnh hơn và sáng suốt hơn thì đã không phải ê chề ra đi trong tủi hờn” N.K.V. (24 tuổi, ngụ quận 6) tâm sự.  

Hồi chuông cảnh báo

N.K.V. (24 tuổi, ngụ quận 6), đã phải nghỉ việc tại một ngân hàng có trụ sở đóng ở quận 5 bởi gặp phải ông sếp có tính trăng hoa. V. kể, cách đây khoảng 8 tháng, vì áp lực tìm việc làm giữa cả rừng thông tin về hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp, V. đã nín nhịn trước những cử chỉ thân mật quá mức của vị trưởng phòng giao dịch ngân hàng mà V. thường gọi bằng chú. V. hy vọng sau 2 tháng thử việc sẽ được giữ lại ký hợp đồng lao động, lúc đó phản kháng cũng không muộn. 

Thế nhưng, khi sự nín nhịn của V. và cử chỉ quá trớn của sếp không còn là bí mật của 2 người, V. trở thành tâm điểm bàn tán của đồng nghiệp. Cuối cùng, dù muốn hay không, V. phải tự xin nghỉ việc trong tâm trạng dằn vặt với hàng tá câu hỏi trong đầu: Giá như... Cho đến lúc này, V. vẫn rùng mình mỗi khi thoáng nghe câu: “Chú gọi là phải lên ngay nhé, phải chăm chỉ thì cơ quan mới trọng dụng”.  

Ở nơi làm việc, không thiếu những tình huống ngượng chín mặt mà các nhân viên nữ phải chứng kiến khi sếp vô tư xem phim tươi mát ngay trong phòng làm việc chung hoặc lợi dụng say xỉn để thực hiện hành vi bất nhã. “Không biết họ xỉn thiệt hay giỡn nhưng sau giờ nghỉ trưa, chúng tôi luôn làm việc trong tư thế phòng thủ bởi những cái đụng chạm bất ngờ từ các sếp. Có phản ứng thì họ bảo do xỉn không làm chủ được bản thân là coi như xong chuyện, còn chị em phụ nữ trong phòng trở thành đề tài bàn tán cho toàn cơ quan”, chị Hằng Nga (ngụ quận Thủ Đức) kể. Hay câu chuyện giáo viên trẻ bị cấp trên lạm dụng kiểu “đụng chân, đụng tay” trong các bữa tiệc, xa hơn nữa là gạ tình để đổi biên chế, để được dạy lớp ưu tú nhất khối, hay những lợi ích khác trong nghề - những câu chuyện rộ lên những ngày qua. Thậm chí, báo, đài cũng tốn không ít giấy mực cho những lùm xùm giáo viên gạ tình học sinh, hay giảng viên gạ tình sinh viên nữ để đổi điểm ở một số trường THPT, cao đẳng, đại học. Tiêu biểu là vụ một thầy giáo dạy môn công nghệ tại Trường THPT T.L (quận Ô Môn, Cần Thơ) bị tố gạ tình một học sinh lớp 10 để đổi điểm, diễn ra không lâu trước đây.

Điều đó cho thấy, không chỉ nơi công cộng mới thiếu an toàn, ngay cả công sở, trường học cũng nhan nhản những câu chuyện đáng buồn về cách hành xử giữa cấp trên với cấp dưới, giữa người có quyền với người yếu thế. Tất nhiên, các câu chuyện được đưa lên mặt báo chỉ là số ít trong những vụ việc mà người trong cuộc chịu lên tiếng, ai cũng biết, góc khuất ấy ở đâu cũng có, nhưng vì vô vàn lý do khiến nạn nhân không dám nói ra. 

Bỏ qua lần đầu sẽ có những lần sau

Ở đa số các câu chuyện, người quấy rối tình dục nơi công sở thường là người có vị thế, tiền tài, họ dùng sức mạnh ấy để cho phép mình “vui đùa” với cấp dưới. Trong khi đó, nạn nhân bị quấy rối thường là người trẻ, kinh nghiệm sống chưa nhiều, nhất là khi họ luôn lý tưởng hóa về môi trường giáo dục, công sở và trong tâm khảm lại luôn khâm phục những người thầy giỏi, sếp giỏi. 

Tất nhiên, ngoài những nạn nhân có ý đồ riêng, sẵn sàng trả giá để được trọng dụng, thì khi sự việc xảy ra, những người còn lại rơi vào thế bị động, âm thầm chịu đựng, thỏa hiệp vì sợ nói ra mình sẽ trở thành tâm điểm chú ý, sẽ đơn độc giữa tập thể; lợi ích của mình có thể sẽ bị xâm hại và hơn hết, sẽ trở thành “giai thoại” ở nơi cũ và có khi ở cả nơi làm việc mới. Vì vậy, khi “tức nước vỡ bờ”, họ phản kháng khá yếu ớt hoặc chọn cách ra đi trong im lặng để giữ danh dự, từ đó càng tạo điều kiện để những vị sếp trăng hoa tiếp tục quấy rối nhân viên khác.

Theo dõi dư luận suốt những ngày qua, không ít người băn khoăn, liệu đưa câu chuyện của mình lên mạng xã hội, sử dụng sức mạnh của cộng đồng để làm vũ khí bảo vệ mình liệu có phải là phương án hay? Làm thế nào để mình không trở thành nạn nhân của những góc khuất ấy? Theo thạc sĩ tâm lý Vũ Hồng Nhung, đưa câu chuyện lên mạng có cái được, nhưng có lẽ cái mất sẽ nhiều hơn. Đồng ý là các bạn được phần lớn cộng đồng bênh vực, nhưng kết quả sau cùng có thế nào thì người thiệt thòi và tổn thương nhất vẫn là nạn nhân. “Câu chuyện của bạn sẽ được cộng đồng nhắc đến suốt nhiều tháng năm sau đó, sự tổn thương sẽ bị kéo dài. Thay bằng la lên cho thiên hạ thấy, hãy thu thập chứng cứ để thưa lên cấp trên hoặc cơ quan chức năng. Nên nhớ rằng, pháp luật làm việc trên cơ sở pháp lý và bằng chứng, pháp luật không thiên về hội chứng đám đông”, chị Vũ Hồng Nhung nói.

Chuyện gì cũng vậy, nếu bỏ qua lần đầu thì chắc chắn sẽ có lần sau, do đó, hãy luôn giữ khoảng cách và thể hiện thái độ của mình khi nó mới chỉ là cái nhìn đầy ẩn ý, như vậy sẽ không có thêm những cái khoác vai hay những đụng chạm cơ thể khác. Nếu sự việc đi xa hơn, hãy nhờ sự trợ giúp của bạn bè, đồng nghiệp hoặc thu thập chứng cứ, nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ. Đừng tự mình giải quyết theo hướng tiêu cực tự tổn hại mình.

Tin cùng chuyên mục