Từ tọa đàm vở diễn dự Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc lần 1 năm 2006

Gợi mở nhiều điều

Gợi mở nhiều điều

Đến nay, Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc lần 1 năm 2006 đã diễn ra được 9 đêm với 9 vở diễn khác nhau, và đã có ba buổi tọa đàm.

Sáng nay 17-10, liên hoan sẽ bước vào cuộc tọa đàm thứ tư với vở Biển cồn cào của Đoàn kịch Sóng Biển – Hải Phòng. Tuy mới chỉ có 3 cuộc tọa đàm về các vở diễn: Chuyện miệt đồng (Nhà hát Kịch TPHCM), Nàng bắn lén (Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh TPHCM), Cánh đồng gió và Số đỏ (Sân khấu Kịch Phú Nhuận) nhưng đã hé mở nhiều điều bất ngờ thú vị.

Gợi mở nhiều điều ảnh 1

Cảnh trong vở “Cánh đồng gió”, Sân khấu Phú Nhuận.

Ở cuộc tọa đàm thứ nhất về Chuyện miệt đồng, vấn đề chất lượng nghệ thuật, cách chọn diễn viên của vở diễn đã được nhiều người chất vấn. Nhưng điều khiến nhiều người bất ngờ nhất là khi nghe nghệ sĩ Khánh Hoàng – Quyền Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM cho biết: “Hiện tại đơn vị chỉ có duy nhất một diễn viên”. Thực trạng này, trước đây, Báo SGGP cũng đã từng lên tiếng. Thậm chí cách nay hơn một năm, NSƯT Lê Ngọc Cường – Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã cảnh báo.

Còn vở Nàng bắn lén? Đây là một vở diễn về đề tài chiến tranh nên được đạo diễn khai thác, xử lý âm thanh, ánh sáng khá ấn tượng. Tuy nhiên, vở diễn lại chưa được trình diễn nhiều, chính vì thế không ít người đặt câu hỏi về cách “tiếp thị” vở diễn này đến công chúng như thế nào? Đây vốn là vấn đề lâu nay chưa được nhiều đơn vị nghệ thuật quan tâm đúng mức để nhằm kéo khán giả đến với mình! Trong buổi tọa đàm thứ ba về 2 vở Cánh đồng gió và Số đỏ, những người tham gia có vẻ “đi chệch hướng” khi ít bàn luận về hai vở diễn này. Nhưng chính sự chệch hướng đó lại gợi mở ra nhiều điều khác, đáng được quan tâm. NSƯT Hồng Vân cho rằng, các đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hóa rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp. Ví dụ như hàng năm, thay vì nhà nước đầu tư cho một đơn vị nhà nước 1,5 tỷ đồng thì nay đầu tư 1 tỷ thôi, còn 500 triệu chia sẻ với các đơn vị sân khấu xã hội hóa, để mỗi đơn vị đầu tư cho một, hai vở thật chất lượng phục vụ công chúng… Bà Nguyễn Thế Thanh – Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM cho biết, các đơn vị cứ mạnh dạn làm đề án đề xuất lên Sở xem xét, nếu đề án nào khả thi, trong chừng mực kinh phí cho phép, Sở sẽ trình UBND TPHCM xét duyệt. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Khánh – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì Chính phủ đã có những chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập nhưng chưa ai biết?

Liên hoan mới chỉ qua ba buổi tọa đàm nhưng đã mang đến cho những người làm sân khấu xã hội hóa nhiều điều bổ ích và qua đó, các ngành, các cấp hiểu rõ hơn những tâm tư, khó khăn của các đơn vị sân khấu xã hội hóa để tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời! Chỉ tiếc là, còn nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật chưa mặn mà với những buổi tọa đàm này. Có ý kiến cho rằng, số tiền mà Trung ương hỗ trợ mỗi đơn vị tham dự 10 triệu đồng và thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng (cho các đơn vị của thành phố), mỗi đơn vị nên dành một ít mua vé cho các nghệ sĩ của mình đi xem đồng nghiệp diễn để có thể cùng bàn luận, rút kinh nghiệm. Điều này nên lắm chứ! 

ĐỖ NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục