Gồng mình chống dịch

Dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona (nCoV) mới gây ra đang hoành hành tại Trung Quốc và lây lan nhiều quốc gia với số người mắc và tử vong tăng cao liên tục. 
Giám sát hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất bằng máy quét thân nhiệt tầm xa. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giám sát hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất bằng máy quét thân nhiệt tầm xa. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp là người Trung Quốc nhập cảnh dương tính với nCoV và cách ly nhiều người nghi nhiễm. Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, Chính phủ, ngành y tế cùng các bộ ngành liên quan và chính quyền nhiều địa phương đã căng mình phòng chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhằm bảo vệ sức khỏe người dân ở mức cao nhất...

Những cuộc họp khẩn xuyên tết

Tại cuộc họp khẩn về công tác phòng chống nCoV diễn ra vào chiều 27-1 (tức mùng 3 tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, việc chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch gắn với tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân là quan trọng nhất. Ngày 28-1 (mùng 4 tết), Thủ tướng ban hành chỉ thị phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan, phải coi việc phòng chống dịch viêm phổi cấp nCoV như “chống giặc”. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành chức năng tập trung các biện pháp, lực lượng phòng chống dịch ở mức cao nhất với tinh thần hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, bảo vệ an toàn tuyệt đối sức khỏe của người dân và cộng đồng và ảnh hướng tới đời sống kinh tế - xã hội.

Trước đó, tại Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp phòng chống nCoV. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành y tế luôn ưu tiên phòng chống dịch bệnh. Với dịch bệnh nCoV có từ tháng 12, ngành y tế đã có những chỉ đạo sát sao. Trong dịp tết, cần đề cao cảnh giác, bảo đảm an toàn cho người dân. Các cơ sở y tế phải nghiêm ngặt bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế, không để lây nhiễm. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện ngay khai báo y tế ở tất cả các cửa khẩu, đặc biệt với người đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. “Bắt đầu kích hoạt chính thức trung tâm khẩn cấp Bộ Y tế ứng phó với nCoV, kiên quyết không để dịch lây lan. Thông tin đầy đủ chính xác bệnh đến người dân để người dân sinh hoạt bình thường. Không vì lý do gì làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi chiều 26-1 (mùng 2 tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, tiếp tục đặt phòng chống dịch bệnh lên trên hết, huy động lực lượng, tập trung cao nhất phát hiện kịp thời các ca nghi ngờ lây nhiễm để khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm chẩn đoán nhanh nhất, không để dịch bệnh lây ra cộng đồng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đoàn công tác Bộ Y tế đã kiểm tra tại các cơ sở y tế, các cửa khẩu. Bộ Y tế đưa ra phác đồ điều trị bệnh này để các cơ sở y tế tại 63 tỉnh thành triển khai thực hiện. 

Tại TPHCM, một cuộc họp khẩn diễn ra đúng ngày 30 tết tại Sở Y tế do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chủ trì yêu cầu Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm túc công điện hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Sở Y tế phối hợp cùng các cơ quan liên quan triển khai thực hiện tốt việc giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ các vùng có dịch tại các cửa khẩu nhằm phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh do virus nCoV về cư trú trên địa bàn TP; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị, trang thiết bị y tế khám chữa bệnh, thuốc, hóa chất phòng chống dịch bệnh để cách ly, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh do virus nCoV, đặc biệt là phòng bệnh có hiệu quả tránh lây lan cho nhân viên y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP khi tham gia điều trị cho bệnh nhân.

Diễn biến phức tạp

Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến chiều 29-1, dịch bệnh nCoV đã lây lan ra tới 18 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 6.061 người mắc. Trong đó tại Trung Quốc ghi nhận 5.974 người mắc và 132 ca tử vong. 17 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại ghi nhận 84 người mắc và chưa ghi nhận ca tử vong nào. Đối với Việt Nam, Bộ Y tế khẳng định hiện cả nước mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp (cha và con) dương tính với nCoV được điều trị cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), trong đó, người con đã khỏi bệnh, còn người cha mặc dù bị ung thư phải cắt phổi phải nhưng tình hình tiến triển tích cực. Kết quả này cho thấy ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát hiện, điều trị thành công các ca bệnh nhiễm nCoV. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện phác đồ điều trị phù hợp. Các trường hợp nghi nhiễm đang cách ly, xét nghiệm thì sức khỏe đều ổn định, tốt lên. 

Nhận định về tình hình dịch hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Danh Tuyên cho rằng, tình hình dịch bệnh nCoV ngày càng căng thẳng và phức tạp, Bộ Y tế đang tập trung triển khai các hoạt động ứng phó với dịch bệnh ở mức cao nhất. Bộ Y tế lập 40 đội cơ động, có thể cách ly, khử khuẩn trong quá trình điều trị tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm nCoV. Chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế giám sát nghiêm ngặt tại cửa khẩu, cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện kịp thời, cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, không để lây lan rộng. Các cơ sở y tế đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, hóa chất khu vực cách ly, đảm bảo tốt nhất việc thu dung điều trị bệnh nhân và phòng chống nhiễm khuẩn tại bệnh viện. Đáng chú ý, Bộ Y tế đã nhanh chóng cập nhật, ban hành đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn, kế hoạch phòng nCoV và chỉ đạo tổ chức tập huấn, phổ biến cho cán bộ y tế các tuyến, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể theo kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành. Cùng với việc yêu cầu các địa phương có cửa khẩu áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam, Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng (19003228) và số điện thoại đường dây nóng của Cục Y tế dự phòng (0989671115 và 0963851919) để tiếp nhận các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp trên toàn quốc và tư vấn cách phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã có yêu cầu 11 tỉnh thành (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Kiên Giang) có nguy cơ cao về dịch nCoV phối hợp ngành y tế điều tra, xử lý ổ dịch trong trường hợp phát hiện ca mắc hoặc nghi ngờ viêm phổi do virus nCoV. Theo đó, 11 tỉnh thành này phải giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của khách du lịch, người lao động đến từ các khu vực đang có dịch tại Trung Quốc trong vòng 14 ngày. Nếu phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế khám, điều trị và báo cáo đến cơ quan y tế. Các địa phương trên phải lập danh sách những người bị ốm, những người có tiếp xúc gần trong vòng 2m để tổ chức cách ly tạm thời ngay, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Rốt ráo chống dịch

Trong khi tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đã lên phương án đảm bảo công tác chủ động, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra.

Trong đó, tại TPHCM, công tác phòng, chống dịch bệnh do nCoV đã được chuẩn bị ngay những ngày giáp tết. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong suốt những ngày nghỉ tết, cán bộ y tế dường như không có ngày nghỉ. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp với cảng vụ hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất rà soát, xử lý y tế theo quy định đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ theo hướng dẫn chuyên môn từ Bộ Y tế. Trung tâm cấp cứu 115 luôn túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng chuẩn bị phương tiện vận chuyển, các trang thiết bị chống lây nhiễm. Những người về từ vùng dịch, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đều gửi danh sách đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP nhằm giám sát. Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, cơ quan chức năng có liên quan phải thắt chặt kiểm soát, khám xét cả hành khách lẫn hành lý bị nghi ngờ mắc bệnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn virus lây nhiễm vào Việt Nam và lây lan ra cộng đồng.

“Hiện trên địa bàn TP chưa phát hiện thêm trường hợp nào nhiễm nCoV. Những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân nCoV đến nay chưa ai có dấu hiệu bệnh viêm đường hô hấp. TPHCM vẫn đang triển khai các biện pháp giám sát nhằm phát hiện sớm trường hợp bệnh tại sân bay cũng như cộng đồng...”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết.

Thị trường khẩu trang khan hiếm, đẩy giá

Lo ngại về nguy cơ lây nhiễm nCoV khiến thị trường khẩu trang trở nên sôi động từ các nhà thuốc,vỉa hè, thậm chí trên mạng xã hội. Ngay từ sáng sớm 29-1 (mùng 5 tết), nhiều nhà thuốc trên địa bàn TPHCM đã bắt đầu mở cửa bán hàng. Chị Lê Thị Như Phi, chủ nhà thuốc trên đường Hòa Hảo (quận 10) cho biết cửa hàng bán từ mùng 3 tết, mỗi ngày bán được hơn 500 chiếc khẩu trang các loại, phần lớn là khách mua cho gia đình dùng, đồng thời để gửi về quê cho người thân.

Theo ghi nhận tại các quầy thuốc, mặc dù đang dịp nghỉ tết nhưng người dân tìm đến mua khẩu trang rất đông, tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng có hàng sẵn để phục vụ. Một số cửa hàng lợi dụng thời điểm này để nâng giá, với một khẩu trang y tế ngày bình thường chỉ có giá 2.000 đồng/chiếc nay nhiều nơi đã bán lên với giá 5.000, thậm chí 10.000 đồng/chiếc. Thị trường khẩu trang cũng trở nên sôi động hơn trên các trang mạng xã hội. Sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và xuất hiện ở Việt Nam, trên mạng xã hội nhiều đầu mối bắt đầu rao bán các loại “khẩu trang chống virus, vi khuẩn”, “khẩu trang phòng tránh lây bệnh qua đường hô hấp”… với đủ các xuất xứ Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ. Giá của các loại khẩu trang này dao động từ 10.000 lên đến hàng triệu đồng. 

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân nên tìm mua các sản phẩm khẩu trang 2-3 lớp, thường được các bác sĩ sử dụng khi phẫu thuật để làm giảm sự lây lan của virus. Đồng thời, khẩu trang phẫu thuật còn ngăn ngừa các hạt nước bọt chứa vi khuẩn văng khỏi miệng, mũi người đeo, giảm tiếp xúc của nước bọt với dịch tiết của người sử dụng tới người khác.

Khen thưởng y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nỗ lực cấp cứu bệnh nhân nhiễm nCoV

Ngày 29-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định khen thưởng các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vì đã nỗ lực cấp cứu và điều trị, điều trị thành công cho bệnh nhân người Trung Quốc mắc viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV.

Chia sẻ về quá trình điều trị cho hai bệnh nhân nCoV, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ngoài những kinh nghiệm có được trong những lần chống những trận dịch trước đây, ngay từ 12-1, bệnh viện đã nhận được rất nhiều văn bản hỏa tốc từ Bộ Y tế, trên cơ sở đó bệnh viện đã chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng cách ly, nhân lực, nâng cao tinh thần cảnh giác của công nhân viên chức, tổ chức diễn tập và triển khai các phác đồ điều trị đặc hiệu của Bộ Y tế, thực hiện nghiêm ngặt cách ly hai lớp.

Khi tiếp nhận hai cha con bệnh nhân sốt do nCoV đầu tiên người Trung Quốc, bệnh viện đã chủ động trong tinh thần cảnh giác cao độ. Một trong những yếu tố giúp bệnh viện sớm điều trị thành công cho một bệnh nhân là đã cách ly kịp thời bệnh nhân này. Khi đã vào cách ly, bệnh viện đã điều trị cho cả hai bệnh nhân theo đúng phác đồ do Bộ Y tế ban hành. Các bác sĩ đã tuân thủ rất nghiêm ngặt chặt chẽ để bước đầu có được thành công là một trong hai bệnh nhân đã khỏi bệnh.

THÀNH AN

Tin cùng chuyên mục