Góp mật cho đời

Họ là những ông lão, bà lão, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Họ không chọn cuộc sống an nhàn mà cùng lớp trẻ phòng chống tội phạm, đẩy lùi cái xấu, góp phần gìn giữ hạnh phúc cho những gia đình xung quanh.
Góp mật cho đời

Họ là những ông lão, bà lão, tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Họ không chọn cuộc sống an nhàn mà cùng lớp trẻ phòng chống tội phạm, đẩy lùi cái xấu, góp phần gìn giữ hạnh phúc cho những gia đình xung quanh.

1. Cả khu phố 3 (phường 7, quận 10 TPHCM) ai cũng gọi ông Đỗ Thành Long (78 tuổi, ảnh) một cách thân thương là “bố Long”. Họ gọi thế không chỉ vì ông đã lớn tuổi, mà còn vì những gì mà ông đã làm cho khu phố này. Về hưu năm 1980, mang tinh thần của người lính Sư đoàn 367, ông Long nhiệt tình tham gia vào hầu hết công tác của phường, khu phố, đặc biệt là lĩnh vực phòng chống tội phạm.

Thành tích nổi bật nhất của ông Đỗ Thành Long là việc cảm hóa các đối tượng tội phạm, giúp họ làm lại cuộc đời. Ngày ấy, khu vực chợ Hòa Hưng (khu phố 3) có băng Cống Bà Sếp khét tiếng. Ông Long đã đến gặp từng đối tượng trong băng nhóm này, tâm tình, khuyên nhủ, dùng lý lẽ thuyết phục họ từ bỏ con đường tội lỗi. Ông còn liên hệ các cơ sở để xin việc làm cho họ. Từ đó, băng Cống Bà Sếp dần bị xóa sổ. Khi những người như Cường “sún”, Chính Tu, Sỹ “nhọn”… mãn hạn tù trở về, ông gặp gỡ, vận động bà con không xa lánh mà mở lối cho họ hoàn lương. Được cảm hóa từ sự chân thành của ông Long, những người này đã trở thành thành viên trong đội dân phòng, hết lòng bảo vệ khu phố, bất chấp nguy hiểm ngăn chặn tội phạm lộng hành. Như anh N.V.N. (tự “Cu đen”) trong 1 năm bắt hơn 10 vụ cướp giật, anh Sỹ “nhọn” 2 lần khống chế được tội phạm có vũ khí…

Để vận động nhân dân phòng chống tội phạm hiệu quả, ông đề ra sáng kiến “Mỗi góc nhà, một cây gậy” đến từng hộ dân, phòng khi có trộm xảy ra, người dân kịp thời chống trả và hỗ trợ nhau bắt trộm. Từ năm 2004 đến nay, khu phố 3, không còn là trọng điểm an ninh trật tự, hễ có dấu hiệu tội phạm là người dân lập tức báo cho tổ dân phòng và công an.

2. Một mình chống tội phạm ma túy là bà Hồ Thị Ngát, 56 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh, hội viên Hội Người cao tuổi khu phố 4, phường 14, quận 8. Nhiều năm qua, khu phố trở thành “điểm nóng” về ma túy của cả quận 8. Với trách nhiệm của tổ trưởng tổ dân phố, bà Ngát đã đi đến từng gia đình có người dính vào ma túy để vận động đưa họ đi cai nghiện. Nhiều lần bà bị các đối tượng gây áp lực, thậm chí dùng kiêm tiêm đe dọa đến tính mạng. Sau một thời gian không ngại nguy hiểm đi tuyên truyền, vận động, nhiều đối tượng đã nghe lời bà đi cai nghiện.

Bà Ngát còn tìm hiểu hoàn cảnh của từng hộ có dính đến ma túy, cùng đoàn thể đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn làm ăn, tránh xa con đường phạm tội. Bà vận động bà con trong khu phố mua áo quan tặng gia đình có người thân chết vì ma túy. Thấy địa bàn có nhiều ống chích mà các đối tượng bỏ lại, sợ trẻ em giẫm phải, bà mua kẹp nhặt hết ống chích rơi vãi.

Đến nay, tình hình tội phạm ma túy tại khu phố 4 đã giảm đến 80%, một phần nhờ sự đóng góp rất lớn của bà.

Huyền Anh

Tin cùng chuyên mục