Hà Nội đã “từ bỏ” công nghiệp hơi sớm

“Mong muốn đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng Hà Nội dường như lại “từ bỏ” công nghiệp quá sớm, trong khi thị trường dịch vụ lại giản đơn, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng", TS Cao Viết Sinh nói.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị

Chiều 23-2, tại trụ sở Bộ KH-ĐT, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì hội nghị cho ý kiến hoàn thiện quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là việc mới, việc khó nhưng cũng là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương.

“Đến nay, công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản đã hoàn thành; hiện có 60/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã hoàn thành công tác thẩm định, trong đó có 55/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Bộ trưởng nêu rõ.

Quy hoạch Hà Nội được lập trong bối cảnh có những thuận lợi là chúng ta đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025; các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông, điện..). Đặc biệt, quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội thông qua.

Cùng với đó, có 21 quy hoạch cấp quốc gia và 8 quy hoạch tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt; quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng mà thủ đô Hà Nội là một trong các cực tăng trưởng của vùng đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng thông qua, đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3-2024.

Chỉ rõ nhiều “điểm nghẽn” đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô, Bộ trưởng đề nghị đại biểu dự họp cho ý kiến tập trung vào sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4, điều 16 của Luật Quy hoạch; việc tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và quận, huyện đưa vào nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

qc-23-2-3237.jpeg
Quang cảnh hội nghị

Bộ trưởng cũng mong muốn được nghe các ý kiến đối với kết quả đánh giá môi trường chiến lược của quy hoạch; quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch.

Phát biểu tại hội nghị, chuyên gia kinh tế cao cấp TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đi sâu phân tích các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên và định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó.

“Mong muốn đạt được tốc độ tăng trưởng cao, nhưng Hà Nội dường như lại “từ bỏ” công nghiệp quá sớm, trong khi thị trường dịch vụ lại giản đơn, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng. Quỹ đất công nghiệp của Hà Nội thật ra không quá eo hẹp, nếu biết tận dụng các khu công nghiệp ở các tỉnh thành lân cận”, ông Sinh nói.

Một điểm nghẽn khác được TS Cao Viết Sinh cho là thách thức lớn đối với công tác quản trị đô thị là Hà Nội chưa khai thác hiệu quả không gian ngầm. Một đô thị tới 10 triệu dân mà không gian ngầm không được khai thác thì tắc nghẽn là khó tránh.

GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cũng dành nhiều thời gian để phân tích, kiến nghị về tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình: “Phải có những giải pháp đột phá rõ hơn để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng xấu đến môi trường, nếu không thì Hà Nội khó có thể trở thành nơi đáng đến, đáng sống. Các đồng chí tính toán tắc đường gây thiệt hại 1,2 tỷ USD mỗi năm, tôi nghĩ còn nhiều hơn. Tắc đường không chỉ gây thiệt hại kinh tế, mà còn gây bức xúc cho người dân và xã hội”.

Tin cùng chuyên mục