Chiều 6-10, Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ trì buổi họp báo có đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng sự tham gia của lãnh đạo Ban Tuyên Giáo, Ban Tổ chức và Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội.
Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ diễn ra từ ngày 11 tới 13-10, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô, với chủ đề: "Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại".
Đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị cho đại hội đã cơ bản đã hoàn tất. Đặc biệt, các bước quy trình giới thiệu nhân sự và xây dựng Đề án nhân sự trình Bộ Chính trị phê duyệt được Thành ủy Hà Nội thực hiện đảm bảo đúng quy định, công khai, dân chủ, đề cao trách nhiệm tập thể Ban Chấp hành và từng cá nhân các đồng chí Thành ủy viên, đúng nguyên tắc, tạo đoàn kết, nhất trí cao.
Tổng số nhân sự được giới thiệu ứng cử tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là 81 đồng chí, bầu tại đại hội là 71 đồng chí (số dư 14,08%). Trong đó, nhân sự tái cử: 47/81 đồng chí (58,02%); nhân sự lần đầu: 34/81 đồng chí (41,98%); số lượng Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: 17 đồng chí. Số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khóa XVII: 13 đồng chí, gồm chủ nhiệm và 4 phó chủ nhiệm.
Về báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII cùng với việc đánh kết quả thực hiện các nghị quyết, mục tiêu của Đại hội XVI thì báo cáo cũng đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025.
Trong đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ TP Hà Nội có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa với GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - thông minh - hiện đại”, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế, hoàn thành công nghiệp hóa thủ đô với GRDP/người đạt từ 12.000-12.300 USD.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, tại đại hội, trên cơ sở báo cáo chính trị, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận chương trình hành động của cấp ủy khóa mới để sớm đưa các nghị quyết, chương trình công tác của đại hội vào cuộc sống, nhằm đưa thủ đô phát triển nhanh và bền vững.
Trong nhiệm kỳ tới, Thành ủy Hà Nội sẽ xây dựng 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó, có 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ trước là chương trình về thúc đẩy đổi mới sáng tạo; chương trình về chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế đô thị và chương trình về đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người dân để người dân là người thụ hưởng các thành quả phát triển của TP Hà Nội.
Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ tới, trong đó, có 20% số xã nông thôn mới kiểu mẫu, 40% số xã nông thôn mới nâng cao. Hơn nữa, trong nhiệm kỳ tới, Hà Nội cũng đặt ra các mục tiêu phát triển, chỉ số cạnh tranh ở mức cao hơn, nghĩa là các chỉ số, mục tiêu của Hà Nội không để cạnh trạnh, so sánh với các tỉnh thành khác mà là cạnh tranh với các thành phố trong khu vực, tiến tới cạnh tranh với quốc tế.
Làm rõ hơn về công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội, đồng chí Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, công tác nhân sự được thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW, đó là giảm 5% số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội cũng như Ban Chấp hành các đảng bộ trực thuộc; đảm bảo các tiêu chí về tỷ lệ trẻ trên 10% và nữ trên 15%. 100% số nhân sự bầu cấp ủy được chuẩn hóa về hồ sơ, rà duyệt kỹ theo đúng quy định về bảo vệ chính trị nội bộ và được cơ quan có thẩm quyền kết luận.
Trước khi thực hiện quy trình nhân sự có đánh giá lại hồ sơ về pháp lý, về bằng cấp, về tài sản, về con cái học ở nước ngoài, sau đó hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ nhân sự giới thiệu tại đại hội. Các cấp ủy đều thực hiện nghiêm quy trình 5 bước và đã được các cơ quan trung ương thẩm định thông qua.