Hà Nội: Không đeo khẩu trang sẽ không được vào siêu thị, trung tâm thương mại

Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu, đối với các sự kiện đông người trên địa bàn Hà Nội, trung tâm thương mại, siêu thị… cần kiểm soát tốt ngay từ đầu vào, ai không đeo khẩu trang nhất định không cho vào.

Chiều 21-10, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 17-8 đến nay, địa bàn Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 ngoài cộng đồng.

Tuy nhiên, dịch bệnh hoàn toàn có thể quay trở lại và bùng phát với các lý do như: mầm bệnh có thể còn tồn tại trong cộng đồng; nguy cơ dịch xâm nhập khi mở lại các đường bay thương mại và từ những người nhập cảnh trái phép vì trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với đó là tâm lý chủ quan của nhiều người dân, cơ quan, đơn vị và thời tiết mùa Đông sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh là virus phát triển.

Vì vậy, các cá nhân, đơn vị cần phải tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, không được chủ quan, lơ là khi cảm thấy dịch bệnh đã được kiểm soát. “Từ lãnh đạo thành phố đến mỗi chúng ta phải gương mẫu, chủ động đeo khẩu trang. Các cuộc họp phải chủ động, phải bố trí khoảng cách đảm bảo, tăng cường giao ban trực tuyến. Các quận huyện ngoài việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh, cần siết chặt việc đeo khẩu trang ở khu chung cư. Các cơ quan báo chí tăng cường phản ánh các hành vi vi phạm, phạt “nguội” để răn đe”, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Hà Nội: Không đeo khẩu trang sẽ không được vào siêu thị, trung tâm thương mại ảnh 1 Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì cuộc họp phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội chiều 21-10

Trước tình trạng nhiều người chủ quan trong phòng ngừa dịch Covid-19, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chỉ rõ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ có nhắc nhở Hà Nội không được chủ quan và yêu cầu rõ phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang.

Do đó, yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phương tiện công cộng, các sự kiện đông người, sự kiện thể thao. “Như ở sân vận động Hàng Đẫy, 3.000 người vào xem đá bóng dù ngồi cách nhau 2 mét nhưng vẫn phải đeo khẩu trang. Nếu không thực hiện dứt khoát không cho tổ chức các sự kiện đông người”, ông Ngô Văn Quý nhấn mạnh và yêu cầu với các sự kiện đông người trên địa bàn, trung tâm thương mại, siêu thị… cần kiểm soát tốt ngay từ đầu vào, ai không đeo khẩu trang nhất định không cho vào.

"Ngay cả Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thành phố mà không đeo khẩu trang cũng mời ra ngoài”, ông Ngô Văn Quý nhắc nhở. Đồng thời yêu cầu các quận huyện, cùng các lực lượng chức năng tiếp tục tập trung tuyên truyền khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang; sẵn sàng các phương án xử lý khi có ca nghi ngờ; chuẩn bị sẵn sàng vật tư phòng dịch; quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung…

Thêm 3 người nhập cảnh mắc Covid-19

Chiều tối 21-10, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thông báo về 3 ca mắc mới Covid-19 (từ ca thứ 1.142-1.144) đều là những ca nhập cảnh từ Nga và Angola nên được cách ly ngay tại Ninh Bình và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Như vậy đến chiều tối cùng ngày, Việt Nam đã có 1.144 người mắc Covid-19, trong đó có tổng cộng 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Tuy nhiên, cả nước tiếp tục trải qua 49 ngày không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Hiện cả nước có hơn 13.900 người đang cách ly theo dõi sức khoẻ phòng chống dịch. Đến nay, các ổ dịch đã được kiểm soát ở tất cả các địa phương ghi nhận bệnh. Đối với công tác điều trị, Việt Nam đã có 1.046 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh. Trong các bệnh nhân đang điều trị có 18 người đã âm tính với SARS-CoV-2. Số bệnh nhân Covid-19 tử vong vẫn là 35 ca.

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Bệnh viện hết thuốc, vật tư y tế... vẫn chờ đấu thầu

Bệnh viện hết thuốc, vật tư y tế... vẫn chờ đấu thầu

Hiện nay, lượng bệnh nhân tăng cao, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… xảy ra ở bệnh viện tuyến trên. Các tình huống này lại không thuộc tình huống cấp cứu, chỉ là tình huống cấp bách. Vì vậy, cần được pháp luật cho phép chỉ định thầu rút gọn để đáp ứng kịp thời, nhanh chóng mua sắm thuốc, vật tư y tế... cứu chữa người bệnh.

Sức khỏe cộng đồng

Chăm sóc sức khỏe chuẩn quốc tế

Theo tổ chức WHO, hiểu biết về tự chăm sóc sức khỏe (Self-care Literacy) chính là phương án tối ưu được sử dụng thay cho việc chỉ phụ thuộc vào hệ thống và cơ sở y tế hiện tại. Trong báo cáo về Giá trị xã hội - kinh tế của hiểu biết về chăm sóc sức khoẻ toàn cầu (Global Social and Economic Values of Self-care 2022) của tổ chức Global Self-care Federation, Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất về tự chăm sóc sức khỏe.