Hà Nội mở đợt cao điểm dập dịch sốt xuất huyết

Ngày 6-10, trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến rất phức tạp với số ca mắc mới liên tục tăng cao, UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị triển khai đợt cao điểm về công tác phòng chống dịch bệnh SXH, với mục tiêu giảm số ca mắc, số ổ dịch và tiến tới kiểm soát được dịch SXH trên địa bàn thành phố.
Hà Nội mở đợt cao điểm dập dịch sốt xuất huyết

Địa phương chưa quyết liệt

Theo Sở Y tế Hà Nội, liên tục trong 4 tuần qua, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố liên tục tăng mạnh. Riêng trong tuần cuối cùng của tháng 9-2023, thành phố tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc SXH, tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9-2023. Cộng dồn trong 9 tháng năm 2023, TP Hà Nội ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, có 3 ca tử vong.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân như: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Oai… Cùng với đó, tổng số ổ dịch tính từ đầu năm 2023 đến nay là 1.029. Hiện còn 289 ổ dịch tại 28 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại hội nghị

Trước thực tế trên, chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nêu rõ, các chuyên gia y tế đã phân tích, điều kiện thời tiết, mật độ dân số đông, giao thương đi lại nhiều… là những lý do khách quan khiến gia tăng số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố. Dù vậy, không vì lý do đó mà không quyết liệt trong công tác phòng, chống để giảm thiểu dịch bệnh một cách tốt nhất, bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người dân.

Đặc biệt, từ kiểm tra thực tế tại nhiều “điểm nóng” về dịch SXH trên địa bàn thành phố, bà Vũ Thu Hà đã thắng thắn chỉ rõ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng, chống SXH của thành phố đã có từ rất sớm và tương đối đầy đủ nhưng tại một số địa phương triển khai chưa quyết liệt, triệt để, hiệu quả dẫn đến gia tăng số ca mắc và ổ dịch diễn biến kéo dài. Ngược lại, nhiều địa phương khi phát hiện ca bệnh đã kiểm soát tốt, nhờ đó, giảm số ca mắc và khống chế được dịch bệnh.

Lập nhóm Zalo giữa các hộ dân

Để có thể ngăn chặn được sự gia tăng của dịch SXH hiện nay, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn này cần phải huy động toàn bộ nguồn lực để tạo “sóng” truyền thông về công tác phòng, chống SXH. Để tạo được “sóng” truyền thông thì phải đồng thời có nhiều nội dung thông tin đưa ra ở cùng một thời điểm tại nhiều địa điểm với nhiều kênh truyền thông và hình thức truyền thông đa dạng, phù hợp với các đối tượng cần tác động. Riêng các cơ quan báo chí cần tăng cường thời lượng, đa dạng hình thức, mở chuyên mục, đặt banner… để công tác truyền thông về dịch bệnh SXH được triển khai mạnh mẽ nhất. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook, hay qua tin nhắn SMS.

Hà Nội tăng cường phun hóa chất diệt muỗi để ngăn chặn dịch SXH bùng phát

Hà Nội tăng cường phun hóa chất diệt muỗi để ngăn chặn dịch SXH bùng phát

Tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương cũng đã chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống SXH, trong đó nhấn mạnh điều quan trọng là tích cực vận động mỗi người dân trên địa bàn nâng cao ý thức, tham gia tích cực công tác vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi trên tinh thần “phòng hơn chống” nhằm giảm nguy cơ dịch SXH bùng phát trên diện rộng.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: “Chúng ta không thể làm thay cho người dân được mà phải làm cho người dân hiểu, nhận biết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Còn cơ quan chuyên môn, các lực lượng khác tại địa phương thì cần hướng dẫn, giám sát và kiểm tra”.

Để triển khai đợt cao điểm về phòng chống dịch bệnh SXH, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu 30 quận, huyện, thị xã cần xây dựng kế hoạch triển khai đợt cao điểm phòng, chống SXH chi tiết, trong đó yêu cầu nội dung truyền thông phải tới được từng người dân. Đơn cử như có thể chia theo nhóm Zalo từ 30-50 hộ dân/nhóm và phân công người phụ trách. Khi đi kiểm tra, nếu phát hiện hộ dân nào vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh hoặc khi phát hiện ca bệnh sẽ đưa lên nhóm để mọi người cùng biết. Việc truyền thông phải trực tiếp, sâu sát, dễ hiểu, hiệu quả và khẩn trương. Các địa phương tùy theo tình hình địa bàn, dân cư để lựa chọn sao cho phù hợp. Các quận, huyện, thị xã cần rà soát lại các chỉ đạo của thành phố về phòng chống dịch để xem đã triển khai đến đâu và cần phải làm thế nào để đem lại hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục