Hà Nội mưa vượt kỷ lục năm 1986, vì sao?

Cơn mưa chiều 29-5 biến nhiều nơi ở Hà Nội thành sông được xác nhận vượt mốc lịch sử trận mưa năm 1986. Ngày 30-5, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia đã có trao đổi với báo chí về vấn đế này.
Ông Nguyễn Hữu Thành trả lời phỏng vấn ngày 30-5-2022

PHÓNG VIÊN: Vì sao trận mưa chiều 29-5 ở Hà Nội được coi là lịch sử?

- Ông NGUYỄN HỮU THÀNH: Theo số liệu thực đo của chúng tôi chiều qua tại trạm Láng có lượng mưa 140mm, Thanh Trì là 119mm, Đông Anh 73mm, Hoài Đức 53mm… Theo số liệu lịch sử tại trạm Láng, lượng mưa tích lũy trong 1 tiếng đồng hồ chiều 15-7-1999 đạt 114,9mm; số liệu lịch sử về lượng mưa tích lũy trong 2 tiếng đồng hồ chiều 18-6-1986 là 132,5mm. Như vậy trận mưa chiều 29-5 đã vượt lịch sử năm 1986. 

Người dân Hà Nội khổ sở vì trận mưa chiều 29-5

Nguyên nhân của đợt mưa này là do đâu? 

- Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 22-25° bị nén nên ngày 29-5, nhiệt độ ở Bắc bộ và Trung bộ có xu hướng tăng. Chiều 29-5, hiện tượng mưa dông nhiệt xuất hiện sớm ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Nam đồng bằng Bắc bộ, sau đó dịch chuyển đến khu vực Hà Nội gây mưa lớn trong khoảng 2 giờ đồng hồ. 

Vào thời điểm cuối tháng 5 như hiện nay, ở các tỉnh Bắc bộ thường xuất hiện mưa dông nhiệt vào buổi chiều và tối. Như cơn mưa dông nhiệt mạnh ở Hà Nội vào chiều 29-5.

Sắp tới còn những cơn mưa như vậy xuất hiện không?

 - Theo nhận định của chúng tôi, từ ngày 30-5 đến 31-5, ở vùng núi và trung du Bắc bộ vẫn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 120mm; ở khu vực đồng bằng Bắc bộ (bao gồm Hà Nội) có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. 

Chiều và đêm nay (30-5), ở khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Ngoài ra, trong chiều và tối nay (30-5), ở Tây Nguyên và Nam bộ có mưa rào và dông; cục bộ có mưa vừa, mưa to. 

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.  

Một số nước trong khu vực đang có cảnh báo ở mức cao về mưa lũ. Còn ở Việt Nam thì như thế nào?

 - Theo dự báo của chúng tôi, sau đợt mưa như đã nói ở trên, từ ngày 1-6, mưa dông mạnh sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực vùng núi Bắc bộ, cục bộ có điểm mưa to. Còn khu vực đồng bằng Bắc bộ (bao gồm khu vực Hà Nội) vẫn có khả năng xuất hiện mưa dông vào chiều và tối.

Tin cùng chuyên mục