Vấn đề hôm nay

Hà Nội: Thực phẩm, rau quả tươi tăng 20%-30% sau Tết Nguyên đán

Hà Nội: Thực phẩm, rau quả tươi tăng 20%-30% sau Tết Nguyên đán

Mở hàng sớm nhất và cũng đắt hàng nhất trong dịp đầu năm vẫn là các hàng thực phẩm, rau quả tươi. Ngay sau tết, các bà nội trợ Hà Nội đã có cơ hội trổ tài với các mặt hàng hải sản tươi sống. Giá các mặt hàng này tăng cao 20%-30%.

  • Hải sản tươi sống là sự lựa chọn hàng đầu
Hà Nội: Thực phẩm, rau quả tươi tăng 20%-30% sau Tết Nguyên đán ảnh 1

Các quán ăn uống đông khách đến tràn ra vỉa hè.

Ngay từ sớm mùng 2 tết, các bà nội trợ đã có thể mua sắm được những thực phẩm tươi ngon thay vì dùng lại những đồ ăn để sẵn trong tủ lạnh. Mặc dù giá cao, nhưng dường như mọi người đã sẵn sàng chuẩn bị tâm lý cho hiện tượng này. Chị Hà Anh ở B7- Thành Công cho biết: “Năm nay tôi không tích trữ nhiều đồ ăn sẵn trong tủ lạnh vì biết các chợ mở hàng rất sớm.

Tuy giá cả có cao hơn nhưng quan trọng là mình có được những thực phẩm tươi ngon nhất để tiếp đãi bạn bè”. Hải sản tươi sống vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các bà nội trợ với thực đơn ưa thích của nhiều gia đình trong những ngày đầu năm, đó là lẩu hải sản. Chị Lê Minh, bán hàng tại chợ Vương Thừa Vũ, cho biết: “Tôi đã gom hàng ở Sầm Sơn - Thanh Hóa từ trước tết để chuyển ra Hà Nội vào dịp sau tết. Giá hải sản cao là đương nhiên bởi lẽ phần lớn dân đi biển nghỉ ăn tết, nguồn cung giảm nên giá đầu vào tăng, các chi phí vận chuyển, bảo quản hàng trong dịp tết cũng tăng đáng kể”.

Giá tôm cá tại các chợ đều tăng từ 20%-30% so với trước tết. Tôm sú được bán với giá 250.000-280.000đ/kg, ngao 20.000-25.000đ/kg, cá song 320.000đ/kg, ghẹ 150.000đ/kg… Các loại tôm, cá nước ngọt cũng tăng giá, cá trắm trắng được bán với giá 50.000đ/kg, cá trắm đen 100.000đ/kg, cá quả loại to 70.000đ/kg, ốc nhồi 25.000đ/kg. Cùng với các loại hải sản, mặt hàng rau quả tươi cũng rất đắt hàng. Nhiều điểm bán rau sạch đã mở cửa trở lại với giá tăng không đáng kể so với trước tết do nguồn cung dồi dào. Loại rau ăn kèm với lẩu được bán chạy nhất là cải cúc, cải xanh, cải thảo. Đặc biệt, do thời tiết ấm áp, rau muống trái mùa năm nay khá tươi non, được bán với giá 6.000đ/kg, được coi là món dễ ăn sau những ngày tết dư thừa chất đạm. Theo kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ, giá cả sau tết sẽ giữ ở mức cao đến hết tháng giêng bởi nhu cầu ăn uống, khách khứa tiệc tùng đón tân niên vẫn còn tiếp tục.

  • Hàng ăn quá tải

Từ mùng 6 tết, hầu hết các cơ quan công sở hoạt động trở lại, nhờ vậy, các cửa hàng ăn uống cũng bắt đầu nhộn nhịp. Các điểm ăn uống vỉa hè, đặc biệt là các quán bún, từ bún ốc, bún riêu cua, bún thang đến bún bò... rất đông khách. Tại các quán bún riêu nổi tiếng ở phố Thi Sách khách ăn ngồi tràn ra vỉa hè. Giá mỗi bát bún được bán đắt hơn ngày thường 10%-20%. Các phố Đê La Thành, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát các quán ăn cũng đông chật. Trong khi đó, vì lượng khách đông quá tải nên chất lượng phục vụ và vệ sinh của các quán bún này rất đáng ngại. Đội quân phục vụ không đủ đáp ứng nhu cầu của khách nên khách ăn thường phải chờ đợi lâu và không được phục vụ chu đáo trong khi phải trả số tiền nhiều hơn ngày thường. Các hàng phở cũng bắt đầu rục rịch mở cửa, một bát phở bán từ 15.000- 20.000đ/bát. Lý do mà các chủ hàng đưa ra là nguyên liệu đầu vào đắt, chẳng hạn như thịt bò giá 120.000- 140.000đ/kg, gà ta giá 80.000 - 100.000đ/kg…

Năm nay, nhiều người cho là mùng 2 tết đẹp ngày nên đã có khá nhiều cửa hàng cửa hiệu mở cửa lấy may. Đến nay, nhiều cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội cũng đã mở cửa trở lại để phục vụ khách hàng. Do tiêu thụ mạnh dịp trước tết và hàng mới chưa về nên hàng hóa trong siêu thị hiện chưa được phong phú. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích mua sắm tại siêu thị. Chị Nguyệt Minh, giảng viên tiếng Anh Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, cho biết: “Các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh trong các siêu thị khá phong phú. Tuy không ngon bằng các loại hải sản tươi sống nhưng hàng đông lạnh lại tiện cho việc sử dụng. Chỉ cần khoảng 30 phút chuẩn bị là có ngay một bữa ăn hải sản tiếp khách. Chỉ cần khéo chế biến là cũng ngon không kém bao nhiêu so với hàng tươi sống”.

Tại các chợ, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Bưởi, chợ Ngã tư Sở, chợ Hàng Da người bán đã đông dần nhưng chủ yếu vẫn là các quầy thực phẩm, rau quả và các mặt hàng thiết yếu khác. Các hàng quần áo, hóa mỹ phẩm mở cửa muộn hơn, thường là sau rằm tháng giêng.

VIỆT AN

Tin cùng chuyên mục