Kỷ vật của nghệ sĩ đi B

Hai cây đàn ra chiến trường

MẠNH TUỆ
Hai cây đàn ra chiến trường

Sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc có sự chung vai của các nghệ sĩ, nhạc sĩ mà những kỷ niệm, kỷ vật của họ ở Trường Sơn mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo không nguôi.

Hai cây đàn ra chiến trường ảnh 1

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu giới thiệu cây đàn mandolin.

Trong những năm vượt Trường Sơn về giải phóng miền Nam (1964 – 1970), cây đàn mandolin đã đi cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu để hình thành hơn 30 ca khúc. Trong số đó, bài Ra tiền tuyến và bài Anh giao liên được phổ biến sâu rộng trong bộ đội.

Trở về Hà Nội, từ thực tế cuộc sống và chiến đấu khốc liệt ở chiến trường, đàn mandolin lại vang lên những giai điệu đẹp trong các ca khúc Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh), Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Dương Hương Ly).

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, với cây đàn mandolin, hình ảnh những năm tháng ở Trường Sơn vẫn âm thầm viết nên những nốt nhạc trữ tình trong Sợi nhớ sợi thương (thơ Thúy Bắc) và Đêm nay anh ở đâu? Những bài hát về Trường Sơn của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã trở thành máu thịt của công chúng yêu nhạc.

Hai cây đàn ra chiến trường ảnh 2

Nghệ sĩ ưu tú Thanh Đính với cây đàn guitar.

Với Nghệ sĩ ưu tú Thanh Đính, kỷ vật mà ông rất yêu quý, gắn bó với ông trong hai lần đi B là cây đàn guitar. Cây đàn guitar được nhà thơ Bảo Định Giang, thay mặt Ban Thống nhất Trung ương và Bộ Văn hóa, tặng nghệ sĩ Thanh Đính trước khi ông lên đường đi B năm 1966. Sau 7 năm phục vụ ở chiến trường Khu V, Thanh Đính từ chối suất đi học ở nước ngoài và viết đơn xin cho về Nam lần thứ hai để đem tiếng hát của mình cùng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.

Trên đường hành quân, hết trạm này đến cánh rừng khác, vượt qua bao gian khổ, ác liệt, với lòng tin ở Đảng, ở Bác Hồ, ở nhân dân hai miền Nam – Bắc, nhất định Tổ quốc sẽ thống nhất, Thanh Đính đã cùng cây đàn guitar đem tiếng hát phục vụ cán bộ, chiến sĩ, dân công, thương binh và đồng bào.

Có hôm, Thanh Đính dừng lại 12 lần để hát. Buổi tối ở trạm, Thanh Đính tự giới thiệu, tự đánh đàn, biểu diễn một chương trình văn nghệ từ 20 đến 25 bài. Tiếng hát của Thanh Đính giúp đồng đội quên hết mệt nhọc, cảm thấy phấn khởi, yêu đời và yêu người, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.

Đã 40 năm qua, những kỷ vật trên được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và Nghệ sĩ ưu tú Thanh Đính nâng niu, gìn giữ như một báu vật. Đàn mandolin và đàn guitar được trưng bày tại phòng “Kỷ vật của những người đi B”, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh.

MẠNH TUỆ
 

Tin cùng chuyên mục