Tại Bệnh viện Trung ương Huế, sức khỏe 2 bệnh nhân được ghép thận từ người chết não hiến tạng đang dần bình phục. Các y, bác sĩ cũng hoàn thành các thủ tục, phối hợp với thân nhân đưa thi thể người hiến tạng về với gia đình để lo hậu sự.
“Ở giây phút tiễn đưa, ai cũng nghẹn ngào xúc động và cảm kích tấm lòng cũng như suy nghĩ cởi mở của gia đình người hiến tạng, đã vượt qua rào cản quan niệm “chết toàn thây” xưa nay của nhiều người. Đây là trường hợp hiến tạng sau khi chết não đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hy vọng nghĩa cử cao đẹp của gia đình người hiến tạng sẽ góp phần thay đổi cách nhìn cũng như quan điểm về hiến tạng sau khi chết não, để những bệnh nhân suy tạng có thể được cứu sống nhiều hơn. Chỉ khi tất cả mọi người cùng thay đổi suy nghĩ thì mới lan tỏa mạnh mẽ những tấm lòng thiện nguyện, thổi bùng lên ngọn lửa nhân ái vốn luôn có trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam”, GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, bày tỏ.
Sau một thời gian hôn mê sâu phải thở máy, chàng thanh niên (33 tuổi, trú TP Huế) mắc bệnh hiểm nghèo trở nặng, tiên lượng tử vong. Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tận lực điều trị tích cực, nhưng diễn tiến lâm sàng của bệnh nhân không thay đổi trong quá trình hồi sức. “Ngày 3-6, Phòng Điều phối ghép tạng của bệnh viện tiếp nhận nguyện vọng hiến tạng từ các thành viên trong gia đình của bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Gây mê hồi sức B, với mong muốn góp phần cứu sống người khác. Hội đồng đánh giá chết não bệnh viện thực hiện các xét nghiệm, đánh giá lâm sàng, xác định bệnh nhân đã chết não vào ngày 4-6. Tiếp đó, Hội đồng ghép thận của bệnh viện họp khẩn cấp để chọn bệnh nhân nhận thận trong danh sách chờ ghép. Trùng hợp, người em họ của người chết não là một trong những bệnh nhân suy thận mạn đang chạy thận định kỳ tại bệnh viện và đăng ký chờ đợi cơ hội được ghép thận. Người em họ này đã được chọn vì có các chỉ số phù hợp với thận người chết não hiến tạng”, GS-TS Phạm Như Hiệp nhớ lại.
Đúng 13 giờ 30 ngày 5-6, sau giây phút cúi đầu mặc niệm để tri ân và xin phép người chết não hiến tạng trước khi mổ, ê kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện cùng lúc 2 ca phẫu thuật cho 2 người nhận thận từ người chết não. Cả hai người sau khi ghép đều có sức khỏe ổn định.
GS-TS Phạm Như Hiệp cho biết, ngày 31-7-2022 là cột mốc đánh dấu hành trình 21 năm ghép tạng của Bệnh viện Trung ương Huế, kể từ ca ghép thận đầu tiên mà người mẹ hiến cho con trai, cả hai mẹ con hiện vẫn sống và làm việc bình thường, sức khỏe ổn định. Từ đó đến nay, bệnh viện thực hiện hơn 1.200 ca ghép thận, nhưng nguồn tạng hiến vẫn từ người đang sống. “Hàng ngày, chúng tôi chứng kiến những số phận không may bị bệnh tật, tai nạn giao thông… không thể qua khỏi. Là người thầy thuốc, chúng tôi mong muốn trước khi về với cát bụi, một phần cơ thể họ có thể được tái sinh trong cơ thể những người không may bị suy tạng cần được ghép từ người hiến chết não. Thế nhưng, chúng tôi đã thất bại nhiều lần trong vận động gia đình người chết não hiến tạng”, GS-TS Phạm Như Hiệp trăn trở.
Nhìn vào danh sách dài các bệnh nhân đang chờ ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế, GS-TS Phạm Như Hiệp chia sẻ: “Mỗi lần Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia thông báo có ca chết não hiến tạng từ Hà Nội, TPHCM… đưa về Huế, quá trình nhận điều phối tạng thực sự là cuộc chiến cam go về thời gian, không gian và nhân lực của cả hệ thống y tế, công an, các hãng hàng không. Trải qua những lần như vậy, chúng tôi càng thêm đau đáu nỗi niềm tại sao ngay tại miền Trung lại không có những trường hợp hiến tạng sau khi chết não, chúng tôi vẫn sẽ luôn kiên trì vận động, thuyết phục gia đình người chết não để có thêm nhiều cuộc đời được cứu sống”.