Hài hòa lợi ích thì đầu xuôi đuôi lọt

Nhìn vào bản thống kê mà Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, có thể thấy xét từ góc độ kinh doanh, các dự án BOT giao thông chưa hấp dẫn. 
Hài hòa lợi ích thì đầu xuôi đuôi lọt

Trong tổng số 70 dự án, có 54 dự án đang tổ chức thu phí hoàn vốn, các dự án còn lại chưa được thu phí hoặc đang dừng thu phí để quyết toán và thanh lý hợp đồng. 

Trong 54 dự án đang thu phí, 41/54 dự án có số thu thấp hơn so với dự kiến tại hợp đồng dự án, trong đó 19 dự án có mức thu đạt dưới 70%. Cá biệt có 3 dự án có doanh thu đạt dưới 30% so với phương án tài chính. 

Thu phí thấp có rất nhiều nguyên nhân, nhiều khi không phải do lỗi của nhà đầu tư. Chẳng hạn, lưu lượng xe qua trạm thu phí thấp hơn so với dự báo, trong đó có nguyên nhân từ việc xây mới các tuyến đường song hành, đường ngang gần khu vực trạm thu phí, tạo điều kiện cho các phương tiện “né” trạm. Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương không đạt như dự báo; tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là có một thời gian dài phải dừng thu phí để bảo đảm phòng chống dịch cũng làm giảm doanh thu rõ rệt.

Cũng phải thừa nhận rằng, có những nguyên nhân xuất phát từ cơ quan nhà nước. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 yêu cầu Bộ GTVT và doanh nghiệp BOT thực hiện giảm giá vé cho các phương tiện lân cận trạm thu phí và giảm giá vé cho một số nhóm phương tiện. Trong 7 năm gần đây, doanh nghiệp cũng chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT (lẽ ra cứ 3 năm xem xét tăng phí một lần). 

Nhìn thấy những bất hợp lý này, Bộ trưởng GTVT đã nêu nhiều giải pháp, như đề nghị các địa phương khi đầu tư dự án giao thông cần đánh giá kỹ tác động đến các dự án BOT trong khu vực, hạn chế phân lưu làm sụt giảm doanh thu các dự án BOT; cho phép các tổ chức tín dụng được tái cơ cấu, khoanh nợ đối với một số khoản vay tín dụng đầu tư BOT có nguy cơ phát sinh nợ xấu do sụt giảm doanh thu…

Nhưng giải pháp đầu tiên cần tính đến là tăng phí BOT theo đúng lộ trình đã cam kết. Như tất cả các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp BOT cũng đã phải chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và sự suy trầm kinh tế. Vấn đề là xác định mức tăng phù hợp để một mặt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BOT, mặt khác không gây tác động nhiều đến chi phí vận chuyển hàng hóa và chính sách điều tiết nền kinh tế của Nhà nước. 

Có hài hòa lợi ích các bên thì các dự án mới vận hành suôn sẻ và các nhà đầu tư mới mặn mà hơn với BOT.

Tin cùng chuyên mục