Hài nhảm phủ sóng truyền hình

Hài nhảm phủ sóng truyền hình

Không nói quá khi vào những ngày cuối tuần, cứ mỗi khi bật tivi lên là thấy tràn ngập các chương trình tấu hài hoặc cố tình hài hóa, nhí nhố, chọc cười, từ gameshow cho đến các chương trình giải trí chính thống được phát trong giờ vàng, trên các đài từ trung ương đến địa phương. Trong khi đó, nhiều chương trình giải trí trên truyền hình ý nghĩa khác lại phải vật vã để tồn tại.

Chương trình Thách thức danh hài trên sóng HTV


Show hài: Mở tivi là thấy

Ngoài những gameshow hài tràn ngập trên sóng truyền hình với sân khấu và dàn dựng hoành tráng, còn có vô số chương trình được dàn dựng và quay trong phòng thu với lưa thưa vài ba hàng ghế khán giả nhìn từ phía sau lưng, rồi lồng tiếng vỗ tay, tiếng cười giả rất vô duyên. Có thể kể ra hàng loạt chương trình chỉ có cái tên là khác, còn nội dung tấu hài, chọc cười na ná nhau như: Hội quán tiếu lâm, Thách thức danh hài, Cười là thua, Câu chuyện đêm chủ nhật, Ơn giời cậu đây rồi, Diêm vương xử án, Chém chuối cuối tuần, Gặp nhau cuối tuần… Đặc biệt sôi nổi là các đài khu vực miền Tây với hàng chục chương trình giải trí khai thác triệt để yếu tố hài.

Chưa bao giờ nghệ sĩ hài lại lên ngôi và đặc biệt sáng giá như lúc này. Hầu hết các nghệ sĩ hài hải ngoại đều đổ về nước diễn như: Việt Hương, Thúy Nga, Chí Tài, Vân Sơn, Bảo Liêm, Quang Minh… Không chỉ các diễn viên hài, mà còn nổi lên những tên tuổi gây cười mới nhưng cát-xê không phải chương trình nào cũng trả nổi như: Trấn Thành, Trường Giang, Anh Đức, Thu Trang… Có thể nói sân chơi hài rất rộng rãi chia đều cơ hội lẫn tiền bạc cho mỗi người. Cá biệt, một số diễn viên hài có cát-xê cả trăm triệu đồng mỗi gameshow và tiền tỷ khi lên phim hài chiếu tết. Gameshow hài, phim hài bùng nổ và rầm rộ đến mức lôi tuột không ít diễn viên chính kịch vào các chương trình hài. Cụ thể, NSƯT Việt Anh, Hữu Châu, Lê Bình…, những người từng “làm mưa làm gió” ở các sân khấu 5B, Idecaf với rất nhiều vở chính kịch, giờ chủ yếu đóng phim hài.

Một số công ty truyền thông chuyên gia công, sản xuất các chương trình giải trí bán cho các nhà đài, nhất là các đài tỉnh không ngại công khai bày tỏ quan điểm, xu hướng sản xuất các chương trình giải trí, các gameshow nghiêng hẳn về hài. “Như thế các nhà đài mới mua”, họ cho biết. Và cũng như thế thì các công ty này mới có đất sống. Các nhà biên kịch Mai Phương, Huỳnh Tuấn Anh kể: “Có nơi thuê biên kịch, biên tập viên nhưng chủ yếu đưa cho lực lượng này các gameshow của nước ngoài rồi yêu cầu cắt, ghép, viết lại các kịch bản đó theo kiểu hài hước, “Việt Nam hài” hóa các chương trình của nước ngoài. Tất cả không nằm ngoài mục đích: khỏi mua bản quyền (hay trả tiền tác quyền không hề rẻ, một hình thức ăn cắp bản quyền khá tinh vi); hay hài mới có khán giả, mới thu được quảng cáo, nhà đài mới mua”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều đài còn đặt hàng rõ là: “Hài và chỉ hài”, hay nói trắng: “Làm khán giả cười thì mới có tiền”.

Đã có thời, muốn tồn tại, các sân khấu chính kịch buộc phải thay đổi “thực đơn”: kịch ma, kinh dị kết hợp hài. NSND Hồng Vân (Sân khấu kịch Phú Nhuận)  thừa nhận mỗi năm chỉ làm vài vở chính kịch và chủ yếu để đi hội diễn, nhưng để giữ sân khấu sáng đèn mỗi đêm, để nuôi sống diễn viên, chính là các vở thuần giải trí như ma, kinh dị và hài.

Gameshow truyền thống: Vất vả để tồn tại 

Có thể thấy, “tuổi thọ” của các gameshow truyền hình ở Việt Nam thường không quá dài, rất hiếm chương trình có tuổi đời 15-20 năm. Trong quá khứ, nhiều chương trình: Vườn cổ tích, Ở nhà chủ nhật, Hành trình văn hóa, Song ca cùng thần tượng, Rồng vàng... dù làm nức lòng khán giả, nhưng đành ngậm ngùi “một đi không trở lại”, vì nhiều lý do.

Trước sức ép của truyền hình thực tế, không ít gameshow truyền hình từng một thời “làm mưa làm gió” trên sóng giờ vàng của HTV, VTV, hiện vẫn được khán giả quan tâm, yêu thích, nhưng cũng phần nào hạ nhiệt và số lượng tồn tại cũng không còn nhiều. Một số chương trình đã có thương hiệu trên VTV3 như: Trò chơi âm nhạc, Ai là triệu phú, Đấu trường 100... còn duy trì được khung 20 giờ tối từ thứ hai đến thứ sáu, trong khi những chương trình như Hãy chọn giá đúng phải chuyển sang khung 12 giờ trưa chủ nhật. Giờ vàng trên sóng các kênh truyền hình lớn, ngoài việc đổ bộ của các phiên bản truyền hình thực tế trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật,  cũng chào đón một số gameshow mới như: Chuẩn cơm mẹ nấu, Người đi xuyên tường, Đừng để tiền rơi, Chết cười, AHA, Người bí ẩn... Sở dĩ nó có “đất” phát sóng bởi hoặc là phiên bản ngoại nhập ăn khách hoặc có sự tham gia của các ngôi sao đình đám. Một số gameshow truyền hình có thương hiệu từ trong quá khứ nay vẫn còn được trọng dụng như: Đường lên đỉnh Olympia, Chiếc nón kỳ diệu, Đuổi hình bắt chữ... nhưng cũng có không ít những xáo trộn về lịch phát sóng hay tự thân phải có những thay đổi, cải tiến nhằm tránh sự nhàm chán nơi khán giả.

Một thực tế khá rõ ràng, đó là nếu các gameshow thuộc thể loại hài đang chiếm thế thượng phong thì các chương trình còn lại hoặc mang tính nhân văn, ý nghĩa xã hội cao hoặc những chương trình thiên về tri thức, cung cấp nhiều thông tin bổ ích dành cho khán giả mới có khả năng trụ vững. Đó là lý do những: Ai là triệu phú, Đấu trường 100, Đường lên đỉnh Olympia... nằm trong số những gameshow tri thức sống khỏe. Một số chương trình gần đây như: Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Trẻ em luôn đúng... tồn tại được cũng bởi lý do đó. Tuy nhiên, cũng ở lĩnh vực này, Đối mặt, Rung chuông vàng... dù được yêu mến nhưng cũng ngậm ngùi chia tay khán giả vì nhiều lý do.

Đối với các gameshow truyền hình, sở dĩ nó tồn tại được tức là vẫn có lượng người xem (rating), nguồn quảng cáo ổn định để nhà sản xuất không phải bù lỗ. Việc ra đời hay nhanh chóng tạm ngưng của các gameshow truyền hình mới mỗi năm có lẽ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đó cũng là lý do nhiều chương trình những tưởng đã bị khai tử nhưng vẫn lặng lẽ sống và tìm được cho mình đối tượng khán giả nhất định. Có thể nó không đình đám về mặt bề nổi trên truyền thông, thậm chí là lọt thỏm giữa các chương trình ăn khách khác nhưng ít nhiều vẫn mang lại hiệu quả cho nhà sản xuất để họ tiếp tục duy trì.  Hành trình kết nối những trái tim - Love Bus, Vợ chồng son, Bạn đường hợp ý, Gia đình tài tử... là những chương trình thuộc tuýp này.

Có cung ắt có cầu, đã là giải trí thì chạy theo nhu cầu khán giả là tất yếu. Nhưng đặc biệt ở Việt Nam, sau một ngày tất bật mưu sinh hay học hành căng thẳng, người người, nhà nhà hầu như chỉ thích, chỉ muốn được cười, được xả stress, đặc biệt là cười hơ hớ cường độ dày đặc, với các chương trình đôi lúc không thể cười nổi, thậm chí trơ trẽn, vô duyên… thì ngẫm kỹ chả hay ho gì. Hơn thế, các nhà đài, các nhà làm chương trình cứ đắm đuối, mải miết chiều chuộng thẩm mỹ, thị hiếu dễ dãi của đám đông lại là một câu chuyện khác. “Có đục, có trong, khán giả sẽ chính là người gạn đục, khơi trong, không việc gì phải sợ hãi hay lo lắng”, đạo diễn Trần Mỹ Hà khẳng định. Tuy nhiên, nếu ngẫm theo góc độ các chương trình truyền hình cũng là “bộ mặt” của giải trí, của văn hóa cả nước thì sẽ thấy “bộ mặt văn hóa” này thực sự có vấn đề.  

Trong khi đó, những chương trình truyền hình vì cộng đồng như: Lục lạc vàng, Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Nhịp cầu ước mơ... lý do tồn tại được khá rõ ràng khi nó góp phần mang đến những ý nghĩa thiết thực cho người dân là những cặp bò, những ngôi nhà khang trang, cây cầu kiên cố hay số tiền xóa nợ, cấp vốn thiết thực. Tuy nhiên, bản thân các nhà sản xuất đều thừa nhận phải nỗ lực rất nhiều mới có thể duy trì được bởi kinh phí thực hiện luôn rất cao, đồng thời gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất do phải quay ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa… 

Song Phạm - Văn Tuấn

Tin cùng chuyên mục