
Những mũi kim tiêm thi nhau cắm phầm phập xuống đất và ghim vào lá cây. Sau mỗi mũi “phi tiêu” ấy, đám trẻ ré lên cười rồi lại hào hứng với trò chơi từ những chiếc bơm tiêm. Chẳng biết chúng sẽ mải miết với trò chơi ấy đến bao giờ nếu không có hiệu lệnh phát ra từ “thủ lĩnh”: “Khách kìa, bán hàng thôi!”. Mặt hàng mà bọn trẻ kinh doanh là bơm kim tiêm và nước cất, khách hàng thì vô cùng “trung thành” và đúng giờ vì tất cả đều là những con nghiện ma túy…
Đùa với… thần chết

Cơn mưa bất chợt đầu giờ sáng khiến khu xóm liều dưới chân cầu Niệm Nghĩa thuộc phường Nghĩa Xã, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng càng thêm nhếch nhác, ẩm thấp. Trên con đường ngoằn ngoèo hun hút dẫn vào“lãnh địa” của dân nghiện hút, chích choác ở xóm liều này là dày đặc cỏ dại và vỏ ống nước cất, vỏ bơm kim tiêm. Hai cái túi “to vật vã” chứa bơm kim tiêm và bao cao su đã giúp chúng tôi “lọt” qua cả chục ánh mắt dò xét không mấy khó khăn.
Bác sĩ Hoàng Thị Tuyết Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hải Âu, địa điểm sinh hoạt và tư vấn HIV/AIDS miễn phí cho người sử dụng ma túy ở Hải Phòng, ghé tai tôi nói nhỏ: “Giờ là cữ thuốc sáng đây. Chụp ảnh cẩn thận kẻo họ phát hiện ra thì nguy hiểm lắm đấy”.
Ngay sát mép bờ sông là một người đàn bà khăn áo lụng thụng bịt kín mặt mũi, chốc chốc lại vơ nắm tiền từ tay một con nghiện rồi hất hàm chỉ ra một góc nào đó. Xung quanh chỗ bà ta ngồi có 5, 6 đứa trẻ, trước mặt mỗi đứa là một cái rổ nhựa khá lớn. Đang ngạc nhiên vì không biết bọn trẻ xuất hiện ở cái nơi tệ nạn và nguy hiểm này làm gì thì tôi chợt thấy chúng ùa lên, ríu rít mời chào khi 2 con nghiện dặt dẹo đi tới: “Xi (tức bơm tiêm - PV), nước này chú ơi! 2.000 một cái thôi, cháu bóc luôn cho chú nhé”.
Lân la lại gần bọn trẻ với nắm xi lanh trên tay, chưa kịp bắt lời, đứa bé gái lớn nhất bọn, ra dáng “thủ lĩnh” dù tuổi chắc mới khoảng lên 10, cất giọng đanh đá bảo tôi: “Cô chú đi chỗ khác mà phát xi đi, để bọn cháu còn làm ăn”. Nói rồi nó đưa tay cầm nắm xi lanh, vứt tọt vào rổ, trong ấy lổng chổng đến mấy chục chiếc xi lanh và một khay nhựa đựng nước cất.
Thấy tôi chăm chú nhìn, Hiền còi - tên con bé - nói chỏng lỏn: “Lấy vậy thôi chứ xi của cô là xi tím, sít thuốc lắm, tiêm vừa đau vừa chảy nhiều máu. Khách chỉ thích xi xanh thôi, như bọn cháu đang bán đây này”. Nói rồi nó nguây nguẩy cầm cái rổ nhựa đi tới hai “khách quen” vừa dừng xe đang vẫy con bé.
Ở nơi lãnh địa của ma túy này, “thượng đế” chỉ tấp nập vào khoảng 9g sáng, rồi tản mát ra xung quanh mấy đám cỏ dại um tùm gần bờ sông để chích và gật gù phê thuốc. Bấy giờ cũng là lúc bọn trẻ rời khỏi vị trí và bắt đầu trò chơi quen thuộc nhưng vô cùng kinh hoàng... Chúng đi nhặt những chiếc xi lanh dân nghiện vừa chích xong, nhiều cái còn đỏ lòe máu, phi phầm phập xuống đất và đám cây râm bụt. Chơi chán, chúng xúm nhau lại, tay trần bẻ kim tiêm, nhặt riêng lấy phần vỏ nhựa của xi lanh ra để mang đi bán ve chai.
Đường tới trường xa lắm
Nhìn đám trẻ vô tư với những “đồ chơi” nguy hiểm kia, tôi hỏi Hiền còi: “Xi còn nguyên máu thế kia, bao nhiêu bệnh tật, sao chơi dại thế cháu?”. Hiền tỉnh bơ: “Bọn cháu quen rồi, mà làm gì có đồ chơi gì khác để chơi”. Khương – thằng bé trông có vẻ có da có thịt nhất bọn đang bẻ kim tiêm cạnh Hiền, ngước lên chỉ tay về phía ba đứa trẻ ăn mặc nhàu nhĩ đang lúi húi thu dọn “hàng hóa” dưới gốc cây trứng cá, cười hì hì: “Bọn cháu còn dám chơi nhé, mấy đứa kia đừng hòng. Hết khách ở đây thì đi xuống mấy xóm dưới. Tối về mà không bán hết hàng, bố mẹ nó cho no đòn”.
Phần lớn bọn trẻ bán xi lanh và nước cất ở khu vực này đều là cư dân của xóm liều Niệm Nghĩa. Bố mẹ chúng, hầu hết cũng đều là dân “dặt dẹo”, không nghiện thì cũng bán ma túy hay làm đủ thứ nghề không lương thiện khác. Anh bạn tuyên truyền viên đi cùng bức xúc nói: Chẳng có bố mẹ tử tế nào lại để con mình đi làm cái việc chết người này cả.
Hỏi về chuyện học hành, Trung thu sắp tới của mấy đứa, đứa nào cũng lắc đầu rồi lảng ánh nhìn đi nơi khác. Con bé Hiền giật tay tôi, chỉ từng đứa giới thiệu: “Thằng Tú lùn kia là học cao nhất bọn đấy, nó học hết lớp 5, cháu hết lớp 3, thằng Khương cũng đang học lớp 3 nhưng không biết năm nay bố mẹ nó có cho đi học tiếp nữa không. Còn bọn cái Hợi, thằng Lỳ kia kìa, thì còn lâu mới được đi học vì cả bố mẹ nó và hai anh đều nghiện, có bữa còn phải nhịn đói ấy chứ”.
Nhìn đám trẻ mà đứa lớn nhất mới có 12 tuổi đầu đã phải lăn lưng vào kiếm sống bằng cái nghề… vô cùng nguy hiểm này, chúng tôi không khỏi nhói lòng và bất bình với những người đang làm cha, làm mẹ chúng. Con đường tới trường của các em rồi cũng chẳng biết được đến đâu và cũng không ai dám nói trước điều gì về tương lai của những đứa trẻ mưu sinh và lớn lên trong một môi trường như thế.
Nhiều ngày theo chân những tình nguyện viên đi phát bơm kim tiêm sạch và bao cao su tại những “điểm đen” về ma túy ở Hải Phòng như khu đường tàu, chân cầu Niệm Nghĩa và khu Chùa Chiếu – Đình Hàng ở hồ Ông Báo, chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều những đứa trẻ, ngày ngày mưu sinh “nhờ” ma túy, không hề ý thức được vô vàn hiểm họa có thể đổ ập xuống cuộc đời các em bất cứ lúc nào. |
Minh Quân