Hải sản sống ở tầng nổi tại khu vực biển miền Trung an toàn để làm thực phẩm

Sáng nay 20-9, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố một số thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Hải sản sống ở tầng nổi tại khu vực biển miền Trung an toàn để làm thực phẩm

(SGGPO). – Sáng nay 20-9, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã công bố một số thông tin về môi trường biển và việc khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Võ Tuấn Nhân, về chất lượng môi trường nước biển ở 4 tỉnh miền Trung, trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6), và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8); so sánh, đối chiếu với QCVN 10-MT:2015/BTNMT về chất lượng nước biển cho thấy: về cơ bản hầu hết các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép. Các thông số sắt, tổng phenol và xyanua (nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường), hàm lượng sắt và xyanua đã giảm đi đáng kể (xyanua nằm trong ngưỡng cho phép, chỉ còn một số khu vực thuộc vùng biển Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế có giá trị thông số sắt ở tầng nước đáy vượt nhẹ ngưỡng cho phép của QCVN).

Như kết quả đã thông báo trong tháng 8-2016, có 3 khu vực cách bờ 1,5 km gồm: Sơn Dương – Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km²), cửa Nhật Lệ  - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km², hòn Sơn Chà – Thừa Thiên Huế (diện tích khoảng 160 km²), do chịu tác động của dòng xoáy cục bộ, 3 khu vực này có một số thông số môi trường trong nước biển cao hơn so với các khu vực khác, cần tiếp tục giám sát.

“Đến nay, theo kết quả quan trắc môi trường biển do Bộ Tài nguyên – Môi trường thực hiện tại 3 khu vực nêu trên, tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết.

Như vậy, chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Hiện Bộ Tài nguyên – Môi trường vẫn đang và sẽ tiếp tục triển khai chương trình quan trắc môi trường biển của các tỉnh miền Trung để theo dõi hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, cảnh báo kịp thời khi chất lượng môi trường biển có dấu hiệu ô nhiễm.

Về thực hiện lấy mẫu cá để trả lời câu hỏi ăn cá đã an toàn chưa?, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ngành y tế đã phối hợp với các bộ ngành liên quan và các địa phương triển khai việc lấy mẫu các loại hải sản, kiểm nghiệm và cung cấp kết quả cho Bộ Tài nguyên - Môi trường. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định suốt quá trình thực hiện nghiên cứu, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới và các chuyên gia về an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm của Nhật Bản, Canada. Các mẫu được gửi đi kiểm chứng tại các Phòng kiểm nghiệm của các Trường Đại học Osaka - Nhật Bản và Trung tâm các giải pháp của Singapore. Kết quả kiểm chứng tại các phòng kiểm nghiệm nước ngoài cho thấy sự đồng nhất về kết quả kiểm nghiệm với 2 viện của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu và phân tích mẫu cá cho thấy tất cả các loại hải sản tại 4 tỉnh miền Trung và 3 tỉnh nhóm chứng (Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu), đều không phát hiện bất kỳ mẫu nào có xyanua - chất được xác định là một trong những nguyên nhân làm cá chết. Các chỉ số thủy ngân, cadimi, chì, crom, asen và sắt trong hải sản ở 7 tỉnh đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn theo quy định. Các kết quả xét nghiệm đối với hải sản tại các đầm nuôi 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, tất cả các mẫu hải sản tầng nổi như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi tại 4 tỉnh miền Trung đều không phát hiện mẫu nào có phenol. Qua phân tích, chỉ có 132/1040 mẫu hải sản của 4 tỉnh miền Trung có phenol, bao gồm ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá - đây là những loài hải sản sống ở tầng đáy. Phân bố 132 mẫu hải sản có phát hiện phenol đều nằm trong vùng từ 5-25 km (tương đương với khoảng 2,7-13,5 hải lý) với tỷ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh và Quảng Bình và thấp nhất tại biển Lăng Cô - Thừa Thiên Huế.

Bộ Y tế khuyến cáo các hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá... chưa đảm bảo an toàn cho sử dụng làm thực phẩm. Ảnh: T.L

Từ những kết quả nghiên cứu trên, Bộ Y tế kết luận: tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Các hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá là những loài hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn cho sử dụng làm thực phẩm. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị không sử dụng các loại hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các loại hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý (các loại hải sản tầng đáy theo danh mục của Bộ NN-PTNT). Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện chương trình giám sát định kỳ đối với các hải sản được khai thác tại 4 tỉnh miền Trung nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe cho nhân dân. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu các loại hải sản có phát hiện Phenol ở trên và các loại hải sản khác ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý để tiến hành giám sát, xét nghiệm.

Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại 3 khu vực biển: hòn Sơn Dương, tỉnh Hà Tĩnh (cách bờ 1,5 km với diện tích khoảng 300 km²), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km²), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên Huế (diện tích khoảng 160 km²). Đồng thời, không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như nghề kéo lưới, rê đáy, lặn câu đáy, lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh vỏ tự nhiên trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Về giám sát an toàn thực phẩm hải sản, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết sẽ giám sát tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ và lưu ý các loại hải sản tầng đáy thường gặp ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm khai thác được bốc dỡ từ tàu khai thác đưa lên bờ tiêu thụ. Tần suất lấy mẫu giám sát 2-3 ngày/lần, tùy điều kiện ở địa phương. 

 HÀM YÊN – VĂN NGHĨA

Tin cùng chuyên mục