Hai thành phố, một sứ mệnh!

Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Hà Nội và TPHCM là 2 trong 4 vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng.

Vào ngày 18-10, Đoàn Công tác nhóm 6 của Ban Chỉ đạo tổng kết Trung ương làm việc với TPHCM về một số vấn đề lý luận và thực tiễn công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam. Chủ trì có các ủy viên Bộ Chính trị: Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Cũng trong chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Hà Nội tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy các hợp tác cụ thể trong nhiều lĩnh vực.

Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Hà Nội và TPHCM là 2 trong 4 vùng động lực tăng trưởng và cực tăng trưởng.

Dự án Vành đai 3 TPHCM đang bám sát các mốc tiến độ yêu cầu

Dự án Vành đai 3 TPHCM đang bám sát các mốc tiến độ yêu cầu

Bản "tổng phổ" này cũng xác định đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị tại 2 vùng này. Điều đó đặt ra những "thừa số chung" trong bài toán đô thị là ùn tắc giao thông, ngập úng, biến động di dân; đồng thời có những "biến số" mà 2 vùng cần sớm có giải pháp tối ưu, từ khung pháp lý cho chính quyền đô thị, phát triển hệ thống metro, đến liên kết vùng trong hạ tầng đô thị hay đầu tư cho văn hóa, giáo dục, con người...

Những vấn đề trên vừa là tiêu điểm cho sự phát triển, vừa là điểm nghẽn mà lãnh đạo Chính phủ cùng 2 thành phố quan tâm, tập trung giải quyết từ đầu nhiệm kỳ. Đến nay, đã có một số việc được giải quyết, mang lại kết quả bước đầu. Song, những vướng mắc tồn tại thì điểm gút lại nằm ở thẩm quyền của Trung ương, rất cần những bước đi tiếp theo là chuẩn bị các đề án, phương án trình các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, quyết định.

Chẳng hạn như về khung pháp lý, mô hình chính quyền đô thị của Hà Nội và TPHCM có một số điểm riêng. Hà Nội đã có Luật Thủ đô và đang góp ý để xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), trong khi TPHCM có những nghị quyết riêng như Nghị quyết 98, Nghị quyết 131 về chính quyền đô thị TPHCM, Nghị quyết 1111 về TP Thủ Đức.

Phối cảnh đường Vành đai 4 vùng Thủ đô
Phối cảnh đường Vành đai 4 vùng Thủ đô

Dù vậy, 2 thành phố hiện đối mặt một số vấn đề chung và bài toán cần giải quyết. Đó là mô hình thành phố trong thành phố (TP Thủ Đức đang là thí điểm đầu tiên của cả nước); lộ trình và kế hoạch chuyển đổi các huyện thành quận, hoặc lên thành phố trong thời gian tới (TPHCM có 5 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ đang lập đề án; còn Hà Nội có 5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Đan Phượng).

Đó còn là việc Hà Nội đang triển khai lập quy hoạch Thủ đô; TPHCM đang điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển tổng thể, lập quy hoạch kinh tế - xã hội, trong đó xác định các mô hình kinh tế, phân khu chức năng, trục động lực phát triển. Hay như phát triển hệ thống giao thông nội đô, liên vùng, với những dự án Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4 Hà Nội được triển khai quyết liệt với sự ủng hộ từ chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư công từ Trung ương.

Tuy vậy, một điểm nghẽn 2 thập niên qua đã hiện rõ trong phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại TPHCM và Hà Nội. Từ các vấn đề về quy hoạch tích hợp giữa giao thông công cộng và đô thị, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trong nội đô với mật độ nén, đông dân cùng giá đất cao đến hạn chế về các kênh huy động vốn, hay thủ tục phê duyệt dự án phức tạp, thời gian kéo dài. Trong khi đó, nhu cầu về xây dựng - triển khai hệ thống giao thông công cộng như metro rất cấp bách, khi dân số cơ học tăng, di dân đang tập trung vào vùng lõi của 2 đô thị này.

Hơn lúc nào hết, Hà Nội và TPHCM rất cần sự chung tay tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, cũng như các đề xuất thí điểm xây dựng thực tiễn sinh động để đúc kết thành chất liệu cho lý luận của tổng kết công cuộc đổi mới quốc gia và những chặng đường kế tiếp.

Tin cùng chuyên mục