6 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn TPHCM xảy ra 495 vụ tai nạn giao thông, làm chết 421 người, bị thương 262 người. So với cùng kỳ năm 2010 tăng 2 vụ, tăng 8 người chết, tăng 71 người bị thương. TPHCM sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này? Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM xung quanh vấn đề này.
Nguyên nhân do chủ quan...
- PHÓNG VIÊN: TPHCM đã có nhiều nỗ lực cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhưng tại sao tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến phức tạp, thưa ông?
Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả sự chủ quan, thiếu ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông, công tác tổ chức giao thông chưa sát với thực tế… Tôi xin đơn cử 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2011 để chứng minh. Vụ đầu tiên xảy ra tại quận 9. Hai xe gắn máy 2 bánh đã đâm thẳng vào nhau, làm 3 người chết. Kết quả khảo sát tại hiện trường cho thấy 2 chiếc xe đã chạy quá tốc độ và 3 người ngồi trên xe lại không chịu đội nón bảo hiểm. Do vậy, khi ngã xuống đường, không có nón bảo hiểm bảo vệ đầu, họ đã tử vong. Trong vụ này, sự thiếu tuân thủ pháp luật về giao thông là nguyên nhân chính gây ra tai nạn.
Vụ thứ hai xảy ra ở huyện Cần Giờ. Một chiếc xe hơi đã lao qua dải phân cách, đâm vào cột điện gần đó làm 2 người chết và 6 người bị thương. Khám nghiệm cho thấy người tài xế đã có hơi rượu nên không làm chủ được tốc độ. Tuy nhiên, nếu dải phân cách được làm cao hơn thì có lẽ đã ngăn được chiếc xe hơi đâm thẳng vào cột điện.
Vụ thứ ba xảy ra ở quận 5 trên đường Võ Văn Kiệt. Xe container và xe khách đâm vào nhau làm 4 người chết và 18 người bị thương. Kết quả kiểm tra cho thấy người lái xe quá mệt, ngủ gật, không kiểm soát được tay lái, để xe lao qua dải phân cách, đâm vào xe đi hướng ngược lại, gây tai nạn. Nếu dải phân cách được xây cao hơn, xe container đã có thể không lao qua được dải phân cách và như thế hậu quả có lẽ đã được hạn chế. Ban ATGT đã đề nghị các khu quản lý giao thông đô thị nghiên cứu xây các dải phân cách cho hợp lý hơn. Tôi nói điều này để chứng minh rằng chỉ cần chủ quan, lơ là một chút là TNGT đã có thể xảy ra bất chấp những nỗ lực trước đó.
- Thưa ông, như vậy TNGT xảy ra phụ thuộc vào sự may rủi?
Không. TNGT chủ yếu phụ thuộc vào ý thức chấp hành Luật Giao thông, vào việc không chủ quan và tính hợp lý trong tổ chức giao thông… Nguyên tắc này phải được “nằm lòng” trong tất cả những người tham gia giao thông và những người có trách nhiệm tổ chức giao thông.
Tôi có thể chứng minh điều này trong việc xử lý một số điểm đen về giao thông trên địa bàn thành phố. Khúc cua trên cầu Thủ Thiêm là một ví dụ. Khi nhận thấy người lưu thông qua cầu Thủ Thiêm chủ quan, không chịu giảm tốc độ khi qua khúc cua, Ban ATGT phối hợp với các ngành chức năng tiến hành lắp đặt biển báo, lưu ý tài xế giảm tốc độ đồng thời lắp đặt các gờ giảm tốc… Một hành động có tính chất nhắc nhở tất cả các bên liên quan đã lập tức có tác dụng: khúc cua đã không còn là điểm đen về giao thông.
Một ví dụ khác, khi TNGT ở huyện Hóc Môn tăng cao, Ban ATGT và các sở ngành chức năng nghiên cứu và nhận thấy những bất hợp lý trong tổ chức giao thông ở đây như tại nhiều khúc cua việc trồng cây xanh thiếu tính toán đã che khuất tầm nhìn người lưu thông; nhiều đoạn đường xe ô tô và xe gắn máy 2 bánh trộn dòng rất nguy hiểm… Ngay lập tức các cây xanh che tầm nhìn đã được cắt bớt hoặc di dời đi nơi khác, những đoạn đường xe trộn dòng nguy hiểm đã được xây dải phân cách, tách riêng làn xe ô tô với làn xe gắn máy 2 bánh. Kết quả TNGT giảm tới 60%-70%. Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng việc tách làn đường chỉ thực hiện được ở những đường rộng, đường quá nhỏ thì không thể. Lúc ấy, chủ yếu người tham gia giao thông phải có ý thức tự bảo vệ mình và những người cùng tham gia giao thông.
Áp dụng nhiều giải pháp nhằm hạn chế TNGT
- Nếu có thể xử lý tốt các nguy cơ xảy ra TNGT như ông nói thì từ nay đến cuối năm, tình hình TTATGT ở TPHCM sẽ được cải thiện?
Chủ tịch UBND TPHCM đồng thời cũng là Trưởng ban ATGT TP Lê Hoàng Quân đã quyết liệt chỉ đạo các quận, huyện sở ngành liên quan phải triển khai ngay các giải pháp nhằm kiềm chế TNGT xảy ra trên địa bàn thành phố. Theo đó, trong khu vực nội thành, nơi thường xảy ra TNGT từ khoảng 19 giờ đến 24 giờ, lực lượng cảnh sát giao thông đã được lệnh phải tăng cường tuần tra trong thời điểm này, đặc biệt ở các nút giao - địa điểm hay xảy ra TNGT nhiều nhất. Cũng tại các nút này, ngành giao thông đã được chỉ đạo phải xem xét không để chế độ đèn vàng (chỉ báo hiệu đi chậm, không bắt buộc phải dừng) mà để chế độ đèn xanh, đỏ, buộc người đi xe phải dừng (khi đèn đỏ), nhường đường cho người ở hướng đèn xanh đi. Ở khu vực ngoại thành (gồm các quốc lộ), nơi thường xảy ra TNGT khi các dòng xe trộn dòng lẫn nhau, sẽ được nghiên cứu lắp đặt giải phân cách, tách từng làn xe ra riêng. Với tất cả những động thái này, cộng với ý thức chấp hành tốt luật Giao thông của người tham gia giao thông, tôi tin rằng tình hình tai TNGT sẽ được chấn chỉnh.
- Cảm ơn ông.
An Nhiên