Hàn Quốc bảo tồn thư viện cổ

Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ bảo tồn và quản lý một cách có hệ thống hơn đối với 9 “seowon” (thư viện cổ) của nước này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thế giới.
Thư viện được cho là cổ nhất là Sosu Seowon
Thư viện được cho là cổ nhất là Sosu Seowon

Chính phủ Hàn Quốc đã lên kế hoạch ban hành luật đặc biệt trong năm nay để quản lý, bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn đặc trưng và nét độc đáo của từng thư viện cổ. Theo đó, cơ quan chính quyền địa phương tại tỉnh Nam và Bắc Gyeongsang, tỉnh Nam và Bắc Jeolla, tỉnh Nam Chungcheong sẽ sửa đổi các quy định trong thời gian tới, tiến hành hỗ trợ ngân sách và nhân lực cần thiết để quản lý những di sản trên.

Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc cũng xúc tiến việc giao lưu học thuật, phối hợp với Triều Tiên khảo sát chung các thư viện cổ ở nước này cũng như 30 thư viện cổ khác trong nước chưa được công nhận là di sản thế giới. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch hợp tác với Nhật Bản và Trung Quốc nhằm quảng bá rộng rãi về các di sản “seowon” ở cả trong và ngoài nước.

Thư viện được cho là cổ nhất là Sosu Seowon (Thư viện Thiệu Thu) ở TP Yeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang sẽ mở buổi triển lãm đặc biệt kỷ niệm sự kiện được công nhận là di sản thế giới vào tháng 5 năm sau. 8 thư viện còn lại cũng sẽ tổ chức các chương trình quảng bá, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân như các chương trình trải nghiệm cho từng lứa tuổi.

Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS) thuộc UNESCO đánh giá “Seowon Hàn Quốc” là một chứng cứ nổi bật của tân Nho giáo (Tống Nho) được phổ biến rộng rãi trong toàn thể xã hội triều đại Joseon, đóng góp vào sự truyền bá tân Nho giáo trong xã hội, thỏa mãn về khía cạnh “giá trị nổi bật toàn cầu”. Trước đó, ICOMOS khuyến nghị Chính phủ Hàn Quốc lập phương án bảo tồn, quản lý 9 thư viện cổ sau khi được công nhận là di sản thế giới.  

Việc Chính phủ Hàn Quốc bảo tồn thư viện cổ không chỉ nhằm bảo vệ di sản văn hóa, mà còn nhằm mục đích nâng cao văn hóa đọc trong xã hội hiện đại.

Song song với việc gìn giữ các seowon, trong những năm gần đây Hàn Quốc đã đầu tư, xây dựng và mở rộng hàng loạt thư viện. Những thư viện này không chỉ có số lượng sách khổng lồ mà còn chú trọng đến thiết kế và cải tiến công nghệ hiện đại nhằm tạo không gian thoải mái nhất cho độc giả. 

Nổi bật nhất là Thư viện Khu rừng tri thức tại TP Paju, tỉnh Gyeonggi và Thư viện Morden Travel Card tại Cheongdamdong quận Gangnam ở Seoul. Khác với các thư viện khác, Khu rừng tri thức hoạt động với phương châm mở cửa 24 giờ “không đóng cửa khi còn có người đọc sách”.

Còn một điểm khác biệt nữa là việc đưa vào ứng dụng Kwondoks, giúp giới thiệu góc có sách của tác giả hay nhà xuất bản, học giả và hướng dẫn vị trí đặt sách theo sự quan tâm và ký hiệu của người đọc. Còn tại Morden Travel Card, đây vừa là không gian để tìm hiểu thông tin trước khi đi du lịch, vừa là một địa điểm tham quan giúp khám phá ra một thế giới mới. Thư viện đang trưng bày 14.761 cuốn sách có liên quan đến du lịch tại hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục