Hàng chục tấn sườn heo bị phù phép “đát” sử dụng

Hàng chục tấn sườn heo bị phù phép “đát” sử dụng

Ngày 16-7, Thanh tra Sở Y tế TPHCM và Chi cục Thú y tiếp tục ghi nhận hàng chục tấn giò heo, đùi gà, xúc xích, sườn heo cốt lết của Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam (VinaFood Corporation) có trụ sở ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương hết hạn sử dụng (HSD) hoặc HSD không rõ ràng nhưng không khai báo. Đáng nói, công ty này đã cố tình dán nhãn kéo dài HSD lên tới cả năm trời nhằm lừa dối người tiêu dùng.

Hết hạn nhưng không khai báo kiểm dịch

Trong 2 ngày 13 và 14-7 vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành Chi cục Thú y và Sở Y tế TPHCM đã đột xuất kiểm tra hàng loạt kho lạnh bảo quản thực phẩm của Công ty cổ phần Thực phẩm Việt Nam (VinaFood Corporation) có trụ sở tại huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương và phát hiện cả trăm tấn sườn heo, đùi gà, xúc xích, giò móng heo hết HSD hoặc HSD không rõ ràng, nhãn HSD bị thay đổi.

Nhãn gốc hạn sử dụng của thùng sườn heo bị dán đè nhãn mới để kéo dài hạn sử dụng.

Nhãn gốc hạn sử dụng của thùng sườn heo bị dán đè nhãn mới để kéo dài hạn sử dụng.

Tại kho lạnh Cảng rau quả quận 7, cơ quan chức năng phát hiện lô hàng 386 thùng sườn heo cốt lết (28,9kg/thùng) có ghi nhãn gốc ngày sản xuất là 14-5-2008 và HSD 1 năm. Có nghĩa, lô hàng sườn heo cốt lết này đã hết HSD từ ngày 14-5-2009 vừa qua. Thế nhưng, Công ty VinaFood Corporation vẫn đưa vào kho lạnh mà không khai báo kiểm dịch.

Cũng tại kho lạnh trên, thanh tra Chi cục Thú y phát hiện lô hàng 946 thùng xúc xích (10,8kg/thùng) có ngày đóng gói là 28-3-2008 và HSD ngày 28-3-2009, tức là đã hết hạn vào thời điểm kiểm tra nhưng phía Công ty VinaFood Corporation cũng cho lưu giữ vào kho lạnh mà không khai báo. Cả 2 lô hàng trên đều được nhập khẩu từ Canada.

Bên cạnh đó, đoàn thanh tra còn phát hiện 4 lô hàng thực phẩm khác gồm sườn heo, xúc xích được Công ty VinaFood Corporation bảo quản tại kho lạnh Cảng rau quả quận 7 có nhãn ghi sản xuất vào các tháng 3, 4, 5 và 6-2008 nhưng trên nhãn gốc không có HSD, trên nhãn phụ lại ghi “xem HSD trên bao bì”, mà trên bao bì thì không ghi HSD, còn các nhãn phụ khác ghi HSD từ 12-18 tháng nhưng không hợp lệ.

Tại kho lạnh Hoàng Phi Quân (quận Thủ Đức), VinaFood Corporation đã không trung thực khi khai báo số lô hàng thực phẩm lưu trữ tại đây. Trong đó, có 1 lô hàng nhập từ Mỹ ngày 5-6-2009 nhưng phiếu nhập kho chênh lệch lên tới 50 tấn. Theo phía VinaFood Corporation, lô hàng nhập về gồm 3 container nhưng vì kho chứa quá chật nên đã cho xuất bán ra thị trường luôn mà không làm phiếu nhập kho.

Ngoài ra, tại kho lạnh Hoàng Phi Quân, thanh tra còn phát hiện 3 lô hàng khác với tổng cộng trên 100 tấn không ghi rõ ngày sản xuất và HSD. Trong đó, có 2 lô móng giò heo đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ vào tháng 8 và 9-2008 nhưng không có ngày sản xuất; một lô 75,5 tấn đùi gà nhập khẩu vào tháng 5-2009 nhưng không xác định được HSD.

Phù phép “đát” sử dụng

Tiếp theo đợt kiểm tra 2 kho lạnh nói trên, thanh tra liên ngành Chi cục Thú y đã bất ngờ kiểm tra kho lạnh bảo quản thực phẩm của VinaFood Corporation tại KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân). Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện lô hàng 903 thùng sườn heo cốt lết, giò móng heo với tổng cộng trên 17 tấn có xuất xứ từ Đức được sản xuất vào 23-4-2008. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ quan thanh tra ghi nhận nhãn HSD của lô hàng nói trên không đồng nhất, có thùng ghi HSD 23-4-2009 nhưng có thùng ghi HSD 23-4-2010.

Điều đáng nói, ở một số thùng, cơ quan chức năng phát hiện có nhãn HSD chồng lên nhau, trong đó có nhãn ghi HSD 23-4-2010 đè lên nhãn HSD 23-4-2009. Từ thực tế kiểm tra này, cơ quan chức năng ghi nhận đã có sự thay đổi nhãn HSD nhưng do thời điểm kiểm tra không có đại diện của công ty nên chưa biết ai đã thay đổi nhãn HSD và dán chồng lên nhau!

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nga, Chánh thanh tra Chi cục Thú y TPHCM, chiều 15-7, thanh tra đã làm việc với đại diện VinaFood Corporation và phía công ty đã nhìn nhận đã dán nhãn HSD đè lên lô hàng nói trên để kéo dài HSD.

Trao đổi với PV Báo SGGP sáng 16-7, bà Nguyễn Thị Thu Nga cũng cho biết đã tiến hành niêm phong, lấy mẫu kiểm nghiệm của tất cả các lô hàng nói trên. Đồng thời, thanh tra liên ngành Sở Y tế và Chi cục Thú y đang yêu cầu phía VinaFood Corporation giải trình trong vòng 1 tuần tới. Nội dung giải trình gồm hồ sơ nguồn gốc hàng hóa, nhãn HSD ghi trên bao bì, lý do không khai báo kiểm dịch và vì sao có sự “phù phép” nhãn HSD trên lô hàng hóa…

Như vậy, tiếp sau vụ phát hiện hơn 5 tấn cánh gà nhiễm khuẩn được tung ra thị trường của Công ty TNHH Trúc Đen (phường 10, Q5) và hàng chục thùng pín dê cấm sử dụng cho người nhưng vẫn bán cho nhà hàng của Công ty TNHH quốc tế Việt Trung (phường 12, Q.Gò Vấp), các cơ quan chức năng đã vào cuộc thanh kiểm tra hệ thống nhập khẩu và phân phối thực phẩm trên địa bàn TPHCM.

Theo cơ quan kiểm dịch thú y, hiện trên địa bàn TP có khá nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm và thời gian qua đã phát hiện không ít doanh nghiệp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này cho thấy công tác quản lý đang có nhiều lỗ hổng, mà điển hình là Trung tâm Thú y vùng VI (Cục Thú y) thiếu trách nhiệm trong việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu khiến hàng chục tấn cánh gà, pín dê mất vệ sinh vẫn được bán ra thị trường.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục