Hàng rong, xe đẩy vây Pouyuen

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (gọi tắt Công ty Pouyuen; tại phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) có gần 100.000 công nhân, người lao động làm việc, nhưng quanh khu vực này chưa được chính quyền, các ban ngành đầu tư xây dựng một khu mua sắm tập trung đáp ứng đúng và đủ nhu cầu sinh hoạt cho công nhân. Do vậy, nhiều tuyến đường quanh khu vực đã bị lấn chiếm biến thành chợ tự phát, dẫn đến nhiều hệ lụy.
Đường 40A (phường Tân Tạo, gần Công ty Pouyuen) biến thành chợ tự phát
Đường 40A (phường Tân Tạo, gần Công ty Pouyuen) biến thành chợ tự phát

Không sợ bị phạt

6 giờ sáng, các phương tiện di chuyển qua đường 40A (phường Tân Tạo) nhích từng centimet vì phần lớn vỉa hè và lòng đường bị xe đẩy, hàng rong, các điểm bán hàng cho công nhân lấn chiếm. Tuyến đường trở thành chợ tự phát bán đủ thứ hàng hóa, từ hàng ăn uống đến thực phẩm tươi sống, quần áo, đồ trang sức… Người mua kẻ bán đứng kín lòng đường. Nhiều trường hợp ngang nhiên trải bạt, giường sạp, hàng hóa ra giữa đường để kinh doanh.

Cạnh đó, các tuyến đường khác quanh Công ty Pouyuen như đường Số 7, 40, 51, 54, quốc lộ 1, hầm chui Tân Tạo… cũng tương tự. Chiều đến, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông tại các tuyến đường trên nặng hơn do công nhân tan ca, có nhiều thời gian mua sắm; xe đẩy, hàng rong vì thế cũng tăng gấp nhiều lần. 

Một ngày cuối năm 2019, phóng viên Báo SGGP theo chân lực lượng chức năng quận Bình Tân xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường ở khu vực quanh Công ty Pouyuen.

Ghi nhận cho thấy việc xử lý vi phạm chỉ là giải pháp trước mắt, mang tính đẩy đuổi, không thể xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường tại đây. Dù tập trung làm nhiệm vụ nhưng trong một giờ lực lượng trật tự đô thị chỉ lập biên bản, xử lý hơn chục trường hợp, trong khi số lượng người lấn chiếm lòng lề đường lên đến hàng ngàn.

Đáng chú ý, không ít trường hợp vi phạm tỏ ra “không sợ”, không thu dọn hàng hóa bày bán dưới lòng đường khi lực lượng chức năng xuất hiện.

Bà Thanh, chủ một điểm bán quần áo trên vỉa hè, nói: “Xui lắm mới bị hốt, lâu lâu mới bị đô thị phạt một lần, số tiền phạt cũng không đáng so với tiền lời nên hầu hết những người kinh doanh ở đây không sợ phạt. Công nhân đông nên ở đây bán cái gì cũng có thu nhập cao. Có người chỉ bán xôi buổi sáng cũng kiếm được 20 triệu đồng mỗi tháng”. 

Hậu quả của tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường quanh Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam không dừng ở việc các tuyến đường xung quanh thường xuyên ùn ứ, kẹt xe, mất mỹ quan đô thị, mà còn khiến an ninh trật tự khu vực này ngày càng phức tạp.

“Cứ vài bữa là xảy ra ẩu đả, đâm chém. Nguyên nhân là do tranh giành địa bàn, chỗ buôn bán; hoặc có khi do người bán không đóng tiền góp hụi chết cho các đối tượng giang hồ trong khu vực”, một chủ quán cà phê ở góc đường 54 cho hay. 

Khu mua sắm tập trung - bao giờ? 

Nói về công tác lập lại trật tự vỉa hè ở khu vực quanh Công ty Pouyuen, ông Nguyễn Kiên Giang, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân, nhìn nhận việc xử lý vi phạm hiện nay chỉ mang tính “cắt ngọn”, rất khó để dẹp triệt để. Giải thích điều này, ông Giang cho biết, thống kê sơ bộ quanh khu vực Công ty Pouyuen có khoảng 2.800 hộ kinh doanh (không thuê mướn sạp), kinh doanh trên vỉa hè và lòng đường; 600 xe đẩy, hàng rong…

Trong khi đó, số lượng cán bộ trật tự đô thị chỉ hơn 100 người, do đó rất khó để ngăn chặn, xử lý hết các trường hợp vi phạm. “Có lần, quận huy động hơn 150 cán bộ, công nhân viên, có cả công an, ra quân xử lý vi phạm lấn chiếm lòng lề đường ở khu vực quanh Công ty Pouyuen nhưng kết quả không như mong đợi. Lực lượng chức năng không thể ngăn chặn hết hàng ngàn trường hợp buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, thêm vào đó, giờ tan ca, hàng chục ngàn công nhân đổ ra mua sắm”, ông Giang chia sẻ.  

Thời gian qua, quận và các phường trong khu vực cũng đẩy mạnh thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền nhưng không đạt hiệu quả, do lợi nhuận từ việc lấn chiếm lòng lề đường, bán hàng hóa cho công nhân cao nên người vi phạm bất chấp pháp luật.

Theo ông Nguyễn Kiên Giang, để giải quyết nạn lấn chiếm lòng lề đường quanh Công ty Pouyuen, giải pháp đặt ra là phải đầu tư xây dựng khu mua sắm tập trung cho công nhân ở khu vực này. Một khi chưa làm được điều này, nhu cầu mua sắm của công nhân chưa được đáp ứng đúng và đủ thì hàng rong, xe đẩy vẫn còn cơ hội tồn tại.

Về giải pháp trước mắt, ông Giang cho biết đơn vị sẽ phối hợp với Công an quận, UBND các phường trong khu vực tổ chức lập chốt, xử lý ngay từ đầu các trường hợp vi phạm. Phần lớn các trường hợp mua bán hàng rong, thực phẩm ở khu vực Công ty Pouyuen đều sử dụng xe ba bánh tự chế, lấy hàng hóa từ 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn.

Do đó, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân kiến nghị lực lượng cảnh sát giao thông Công an TPHCM và Công an quận Bình Tân cần tăng cường chốt chặn trên quốc lộ 1A để xử lý, hạn chế xe đẩy, hàng rong đổ về khu vực Công ty Pouyuen.

Theo ông Huỳnh Minh Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tạo, để đáp ứng nhu cầu mua sắm cho công nhân và ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ở khu vực Công ty Pouyuen, quận Bình Tân đã có tờ trình gửi UBND TPHCM về đầu tư xây dựng Khu mua sắm tập trung cho công nhân ngay trước công ty này (khu vực giáp quốc lộ 1A). Hiện dự án đang được triển khai. Phường đang rà soát, lập danh sách cụ thể các trường hợp mua bán, kinh doanh hàng rong trong khu vực để đưa vào khu tập trung. 

Tin cùng chuyên mục