Hành trình đi tìm con đường giải phóng dân tộc của những trí thức Việt Nam trên đất Pháp

Với Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương (Omega Plus và NXB Đà Nẵng), Tiến sĩ Phan Văn Trường đã thuật lại tỉ mỉ câu chuyện về những trí thức Việt Nam từng bôn ba ở chính mẫu quốc Pháp để tìm tòi những đường hướng mới cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX.

Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương (tên gốc: Une Histoire de Conspirateurs Annamites à Paris ou la Vérité sur L’Indo-chine) mới ra mắt tại Việt Nam là một trong hai tác phẩm nổi bật nhất của Luật sư - Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường. Cuốn hồi ký này đã từng được xuất bản nhiều kỳ trên tạp chí La Cloche Fêlée (Chuông rè hay Chuông nứt) từ số ra ngày 30-11-1925 đến số ra ngày 15-3-1926. 

Năm 1928, tác phẩm được tổng hợp và xuất bản thành sách bởi nhà in Đông Pháp - Ng. kim-Dinh, Gia Định, sau đó được Nhà xuất bản L'insomniaque của Pháp in lại năm 2003. Bản tiếng Việt này được dịch dựa trên bản in năm 1928 của nhà in Đông Pháp và cũng là cuốn sách tiếp theo trong “Tủ sách Pháp ngữ - Góc nhìn sử Việt” của Omega Plus.

"Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương" là một trong hai cuốn sách nổi bật nhất của Tiến sĩ Phan Văn Trường
Tác giả Phan Văn Trường (1876 - 1933) được coi là vị “tổ nghề”, luật sư đầu tiên của Việt Nam. Ông là một trong những người tiên phong kết hợp nghề luật và nghề báo vào chung một con đường, đó là con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là Pháp luật lược luận, nhà in Xưa - Nay, Sài Gòn, 1926.

Trong tác phẩm Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã thuật lại tỉ mỉ câu chuyện về những trí thức Việt Nam từng bôn ba ở chính mẫu quốc Pháp để tìm tòi những đường hướng mới cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX. 

Theo chân những tường thuật của Luật sư Phan Văn Trường, người chí sĩ đã sát cánh cùng nhiều nhân vật cách mạng như Phan Châu Trinh, Cường Để, Nguyễn Ái Quốc… và hoạt động đấu tranh qua báo chí, người Việt chúng ta ở thời hiện đại sẽ hiểu rõ hơn hành trang của một số nhân vật lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, cũng như phần nào thấu suốt được lý do vì sao công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc phải chuyển sang một giai đoạn mới.

Lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX đứng trước một bước ngoặt then chốt: Lựa chọn con đường giải phóng dân tộc nào để phù hợp với xứ sở và bối cảnh lịch sử thế giới lúc bấy giờ. Bởi lẽ, bối cảnh của buổi đầu thế kỷ XX là sự lụi tàn của phong trào Cần Vương, cùng với sự lỗi thời không thể chối cãi của đường hướng đấu tranh chống ngoại xâm như cha ông từng thực hiện chống lại các thế lực phương Bắc. 

Thực dân phương Tây không phải là các triều đình Trung Hoa quân chủ khi xưa, do vậy phương hướng đấu tranh của người Việt cũng phải có sự điều chỉnh để bắt kịp với thời đại, thích nghi với đối thủ mới có trong tay sự vượt trội về khoa học-kỹ thuật-vũ khí.

Đầu thế kỷ XX, giới trí thức trẻ người Việt sang Pháp du học và tiếp thu những kiến thức tinh hoa của thế giới châu Âu, kể từ đây chiến lược đối kháng chống thực dân có những thay đổi. Đó là chuyển sang chống thực dân Pháp ngay trong lòng nước Pháp, sử dụng những phương tiện văn minh như báo chí, kết giao và thiết lập quan hệ với các hiệp hội và phong trào nhân quyền-dân chủ ở chính châu Âu để vạch trần, chỉ rõ bản chất của chế độ thực dân tại các xứ thuộc địa, từ đó kêu gọi bình đẳng cho người dân thuộc địa, dần dà từng bước đòi hỏi độc lập cho Việt Nam.

Để phần nào hiểu được những gì đã xảy ra trong quá khứ và lý giải những lựa chọn mà tiền nhân đã phải thực hiện, chúng ta cần truy lại dấu chân của người đương thời, mà cụ thể là những trí thức Việt Nam từng bôn ba tại Pháp tìm tòi đường hướng đấu tranh giải phóng dân tộc. Và cuốn hồi ký của Luật sư - Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường chính là tài liệu gần gũi và chân thực nhất giúp độc giả yêu thích lịch sử tiếp cận với quan điểm cùng hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc của cha ông xưa.

Tin cùng chuyên mục