
Báo SGGP trên trang phóng sự – ký sự số ra ngày 4-6-2005, có bài viết Viên “ngọc sáng” và nghịch cảnh. Nội dung bài báo đề cập đến nghĩa cử cao đẹp của người thanh niên nghèo, hiếu thảo Nguyễn Ngọc Tú, đã có 46 lần hiến máu nhân đạo với 78 đơn vị máu hiến (tương đương 15,6… lít máu, cao nhất tại Việt Nam), trong đó có không ít trường hợp hiến máu trực tiếp cứu người trong hoạn nạn. Là lao động chính, anh Tú phải nuôi 7 người thân, trong đó có một mẹ già và một người chị bị bệnh tâm thần, một đứa cháu vô thừa nhận.

Anh Tú đang rất cần sự giúp đỡ.
Bài báo còn phản ánh về việc gia đình Nguyễn Ngọc Tú sắp phải dọn ra khỏi nơi cư ngụ hơn 40 năm qua (153/46 Cao Thắng, Q.3, diện tích 2,5 x 12m) do một vụ kiện liên quan đến quyền sỡ hữu nhà từ trước 1975 của nguyên đơn có yếu tố nước ngoài. Sau khi báo SGGP phát hành, sự việc của Nguyễn Ngọc Tú gây xúc động mạnh trong dư luận và được các đồng chí lãnh đạo TPHCM rất quan tâm.
Sáng 14-6-2005, ngày toàn thế giới tôn vinh và cảm ơn những người hiến máu tình nguyện, những người đem đến cho hàng triệu bệnh nhân trên thế giới món quà đặc biệt – món quà của sự sống - mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, chúng tôi trở lại thăm Nguyễn Ngọc Tú và thật bất ngờ khi biết anh đã nhập viện với căn bệnh hiểm nghèo.
Tại căn phòng (Khu B, lầu 2) trắng toát bên trong Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, nhìn Tú nằm thiêm thiếp trong hơi thở khó khăn trên giường bệnh, không ai nghĩ người thanh niên này từng là quán quân hiến máu nhân đạo, từng nặng trên 90kg, từng vác 15 cây nước đá bỏ mối lẻ vào mỗi buổi sáng.
Vợ anh Tú khóc: “…Làm việc nuôi cả nhà nên ảnh quá lao lực, hôm 9-6 thấy khó thở, em đưa ảnh đi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược, sang 13-6, bác sĩ nói bệnh ảnh nặng nên chuyển qua Phạm Ngọc Thạch đây. Hôm qua người ta mới rút bớt nước trong phổi ảnh ra…! Chỉ riêng từ hôm đó tới nay em phải bán đồ đạc đóng trên 3,5 triệu đồng viện phí rồi, không biết sắp tới sẽ ra sao”.
Nghe tin Tú bệnh, một ít người bạn đã đến bên cạnh anh, vài người biết tiếng của Tú cũng góp tay vào, tuy nhiên như đã nêu, cũng là “muối bỏ biển” do chi phí điều trị cao, trong khi gia đình anh Tú thuộc diện xóa đói giảm nghèo. Các bác sĩ điều trị cho biết, bệnh nhân Nguyễn Ngọc Tú ngoài việc bị tràn dịch màng phổi, còn mang thêm căn bệnh tiểu đường.
Với căn bệnh phổi, bệnh nhân cần phải có thời gian điều trị 8-10 tháng, còn với bệnh tiểu đường, phải điều trị suốt đời. Chúng tôi đã liên hệ với Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), chủ quản của Nhà máy sữa bột Dielac, nơi Tú làm công nhân, đơn vị này rất bất ngờ và cho biết sẽ tìm cách giúp đỡ.
Làm việc thêm với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch về nhân thân và quá trình cống hiến cho xã hội của bệnh nhân Nguyễn Ngọc Tú, chúng tôi được biết rất có thể Tú được miễn giảm viện phí nếu hoàn tất một số thủ tục (về vấn đề trên, Báo SGGP sẽ phối hợp Hội Chữ thập đỏ TPHCM để thực hiện).
Trở lại ngôi nhà trong con hẻm trên đường Cao Thắng, chúng tôi nhận thấy người mẹ già trên 80 tuổi của Tú vẫn nằm co ro trên bộ ván gỗ, người chị tâm thần của anh vẫn lảm nhảm nói chuyện một mình, con trai của Tú vẫn đang tung tăng chơi đùa cùng con chó vàng tên Mina.
Qua bài viết này, chúng tôi tha thiết kêu gọi những tấm lòng bạn đọc, hãy hướng về Nguyễn Ngọc Tú - đứa con hiếu thảo, người thanh niên giàu lòng nhân đạo - để giúp anh vượt qua cơn bạo bệnh.
M.ANH - V.TRÂN