Xã hội hóa điện ảnh

Hé mở hướng phát triển mới

Hé mở hướng phát triển mới

Nghị quyết 90/CP ngày 21-8-1997 của Chính phủ chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa đến nay đã tạo nhiều bước chuyển đổi mới trong hoạt động xã hội, văn hóa. Xã hội hóa hoạt động điện ảnh cần tiếp tục đặt ra như thế nào khi Luật Điện ảnh được ban hành trong khi Việt Nam đang tiến gần đến giai đoạn gia nhập WTO?

  • “Gái nhảy”, đòn bẩy phim tư nhân?

Phim Việt Nam kéo khách trở lại rạp từ bao giờ sau thời kỳ điện ảnh lao đao? Có lẽ, một sự thật khó phủ nhận, khi bộ phim “Gái nhảy” của Hãng phim Giải Phóng ra đời, gặt hái thành công với mức doanh thu khá ngoạn mục, đã là chất xúc tác, kéo theo sự hăm hở làm phim của các hãng phim tư nhân. Đây là lúc xuất hiện nhiều ý kiến bàn luận, đánh giá khá gay gắt dưới nhiều góc nhìn khác nhau về câu chuyện làm phim nghệ thuật hay phim thị trường, về đối tượng khán giả xem phim là ai v.v...

Hé mở hướng phát triển mới ảnh 1

Sự ra đời của các hãng phim tư nhân với cách làm ăn mới đã dần kéo khách trở lại rạp. Trong ảnh: Khán giả đến xem chương trình chiếu phim của Diamond. Ảnh: HOÀNH ANH THƯ

Khoảng năm 2003, các hãng phim tư nhân đã chính thức góp mặt cùng các hãng phim nhà nước. Theo ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đến nay trong cả nước có khoảng 40 hãng phim tư nhân, trong đó TPHCM 33 hãng. Tuy nhiên, số lượng phim truyện sản xuất của các hãng tư nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ngoại trừ một số hãng phim đã đi vào hoạt động sản xuất hoặc đầu tư rạp (như Thiên Ngân, Phước Sang, BHD, Hoan Khuê, Lasta, ViFa Gia đình Việt, Chánh Phương, Á Mỹ, Á Châu, Kỳ Đồng, Phương Nam, Việt Phim), các hãng còn lại phần lớn đang làm phim quảng cáo, đảm nhiệm kỹ thuật hậu kỳ, lồng tiếng hoặc... “án binh bất động”.

Xã hội hóa về giải pháp xây dựng phim trường, rạp chiếu, cơ sở thiết bị chiếu phim, xuất nhập khẩu phim cũng là công việc được quan tâm trong ngành điện ảnh. Bên cạnh một số hãng phim xây dựng phim trường ở “tầm vừa phải” như hãng BHD, hãng Chánh Phương…, Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt (TVM) đã xúc tiến xây dựng phim trường lớn ở Bình Dương như một cách “đón đầu” sự phát triển công nghệ điện ảnh-truyền hình trong tương lai.

Riêng Công ty liên doanh hậu kỳ điện ảnh Digipost của Singapore sang kinh doanh ở TPHCM với chiến lược “mai phục”, chào mời dịch vụ hậu kỳ các đoàn phim, thay vì phải sang các nước lân cận, tốn thêm kinh phí.

Xây cụm rạp mới cũng là vấn đề khá “nóng” trên một bề mặt tưởng rất hững hờ của khâu phát hành phim quốc doanh lâu nay. Trong khi Công ty cổ phần Điện ảnh TPHCM chuẩn bị bàn bạc chiến lược phát triển điện ảnh thì Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam đã liên doanh cùng Công ty Envoy Media Partners Limited (Mỹ) xây cụm rạp ở Hà Nội, chuẩn bị khai trương trong tháng 4 sắp tới và sẽ triển khai xây các cụm rạp ở các tỉnh thành khác trong nước.

Cuộc chạy đua xây dựng cụm rạp xem ra khá sôi động khi tiếp theo, hãng Thiên Ngân Galaxy và tập đoàn điện ảnh quốc tế Warner Bros đã công bố hợp tác (ngày 14-3) và dự kiến xây dựng tại Việt Nam các cụm rạp theo tiêu chuẩn hiện đại nhất của Mỹ, vào năm 2007.

  • Mừng mà... lo

Ông Khải Hoàng, một người hoạt động trong khâu kinh doanh điện ảnh khá lâu ở Hãng phim Giải Phóng trước đây nhận định: “Điện ảnh vừa là một loại hình kinh doanh nhưng lại là một loại hình kinh tế mang nét đặc thù nghệ thuật. Tôi cho rằng điện ảnh VN từ thời bao cấp khi chuyển sang hoạt động xã hội hóa đã hé mở nhiều hướng phát triển mới, rất tốt... Tuy nhiên, Nhà nước cần sớm có chính sách điều chỉnh tình trạng rối loạn dễ xảy ra trong quá trình phát triển điện ảnh…”.

Hé mở hướng phát triển mới ảnh 2

Cụm rạp chiếu phim Galaxy thu hút đông người xem. Ảnh: V.D.

Ông Bùi Đình Thứ (Công ty cổ phần Điện ảnh TPHCM) cũng đánh giá về sự chuyển đổi khá tích cực từ chủ trương xã hội hóa. Nhiều thực trạng và xu thế đổi mới kinh tế tác động đến nhiều lĩnh vực cuộc sống, trong đó có hoạt động điện ảnh (từ khâu sản xuất, phát hành, phổ biến phim). Trong tương lai, các khu đô thị mới mở ra, sự phát triển về kinh tế luôn đi kèm với nhu cầu đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ, văn hóa, giải trí.

Do đó, việc xây dựng cụm rạp ở các khu đô thị mới cần sớm đặt ra. Kinh nghiệm Hàn Quốc, Trung Quốc đã cho thấy điều đó. Mặt khác, khi các tập đoàn điện ảnh quốc tế đang “rẽ bước” vào kinh doanh lĩnh vực điện ảnh, giới điện ảnh VN phải tự mình tìm ra hướng đi đúng đắn hơn là ngồi ta thán. Tất nhiên, bên cạnh ý nghĩa mở rộng xu thế phát triển, điện ảnh VN phải được chuẩn bị chu đáo. Điện ảnh Việt Nam phải xây dựng được tầm chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực thích ứng.

Sự chuyển mình của điện ảnh Việt Nam trong thời gian gần đây chứng minh được chủ trương xã hội hóa đã góp phần thúc đẩy sự phát triển ở nhiều bộ phận hoạt động điện ảnh từ nhiều phương diện, nhiều hình thức. Tuy nhiên, để những bước đi mới không băn khoăn, ngập ngừng, các nhà hoạt động điện ảnh vẫn kỳ vọng những quy định, chính sách bảo hộ điện ảnh VN và sự thông thoáng mới, hợp lý, hợp tình từ Luật Điện ảnh sắp ban hành trong thời gian tới. 

Nhóm PV VHVN

Tin cùng chuyên mục