Hệ thống pháp luật đang thiếu các quy định về tình huống y tế khẩn cấp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát nhận định, quá trình giám sát cho thấy hệ thống pháp luật đang thiếu các quy định về tình huống y tế khẩn cấp, do vậy phải sửa nhiều luật và ban hành các quy định riêng.
Quang cảnh phiên họp đoàn giám sát

Quang cảnh phiên họp đoàn giám sát

Ngày 31-3, tại Nhà Quốc hội, đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng đã họp phiên thứ 3, góp ý vào dự thảo báo cáo và dự thảo nghị quyết về kết quả giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát nhận định, quá trình giám sát cho thấy hệ thống pháp luật đang thiếu các quy định về tình huống y tế khẩn cấp, do vậy phải sửa nhiều luật và ban hành các quy định riêng.

Thực tế còn nhiều tồn tại trong việc thanh toán, quyết toán, giao tài sản, trợ cấp chính sách cho lực lượng phòng, chống dịch; bên cạnh đó, đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng còn bất cập cả về nhân lực, trang thiết bị, do vậy trong kế hoạch đầu tư công năm 2024 cần dành nguồn lực xứng đáng cho lĩnh vực này.

ĐB Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

ĐB Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Thảo luận về dự thảo báo cáo và dự thảo nghị quyết, ĐB Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị dự thảo nghị quyết cần nêu cụ thể hơn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong chi trả, thanh toán, hoàn trả trong trường hợp vay mượn từ các nhà cung cấp mà chưa thực hiện đấu thầu; việc xử lý các trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến; vướng mắc trong đặt hàng xét nghiệm; thủ tục xác lập tài sản sở hữu toàn dân…

ĐB Lê Văn Khảm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề xuất phân tích rõ nguyên nhân khiến cán bộ y tế có tâm lý không muốn làm việc tại y tế cơ sở.

“Nghị quyết cần quy định ngân sách Nhà nước đảm bảo chi 100% tiền lương cho y tế cơ sở và đưa ra các giải pháp căn cơ để giữ chân, thu hút nhân viên y tế làm việc tại cơ sở”, ông Lê Văn Khảm nhấn mạnh.

Về việc thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, nhiều ý kiến băn khoăn về nội hàm của các khoản chi cho y tế dự phòng. Tỷ lệ này, mỗi tỉnh, thành phố báo cáo khác nhau; ở những địa phương y tế cơ sở tiến hành xã hội hóa thì chi cho y tế dự phòng cao và ngược lại…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu làm rõ trong nghị quyết các giải pháp cụ thể, thời gian hoàn thành; đặc biệt là đối với việc khắc phục những hạn chế, bất cập trong lĩnh vực thanh toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch Covid-19.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tổ giúp việc tiếp thu ý kiến thành viên đoàn giám sát, bổ sung vai trò của hệ thống y tế tư nhân, y tế trường học, y tế trong doanh nghiệp; yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 18 của Quốc hội dành tối thiểu 30% ngân sách cho y tế dự phòng.

Tin cùng chuyên mục