Hiểm họa môi trường nghiêm trọng ở châu Á

Trong số 100 thành phố dễ bị tổn thương nhất bởi các hiểm họa môi trường trên toàn thế giới, có đến 99 thành phố là ở châu Á, và 4/5 trong số này là ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Đây là kết luận của báo cáo thường niên năm 2021 đánh giá rủi ro liên quan tới môi trường và khí hậu của 576 thành phố lớn nhất vừa được Công ty Tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) công bố. 
Khi môi trường đe dọa thành phố ở châu Á
Khi môi trường đe dọa thành phố ở châu Á

Trong số này,  nghiêm trọng nhất là siêu đô thị thủ đô Jakarta (Indonesia) đang đứng đầu bảng xếp hạng với nạn ô nhiễm, lũ lụt, sóng nhiệt và được dự báo còn nhiều điều tồi tệ hơn nữa sắp xảy ra. Mặc dù đứng đầu danh sách là Jakarta, nhưng Ấn Độ, nơi có 13 trong 20 thành phố tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất thế giới, có thể phải đối mặt với tương lai khó khăn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Trong đó, thành phố Delhi đứng thứ 2 trên chỉ số toàn cầu của 576 thành phố, thành phố Mumbai - thành phố đông dân nhất Ấn Độ với 12,5 triệu dân - đứng thứ 27.

Nếu chỉ xét riêng về chỉ số ô nhiễm không khí - nguyên nhân khiến khoảng 7 triệu người trên thế giới tử vong sớm mỗi năm, trong đó Ấn Độ chiếm tới 1 triệu ca, toàn bộ 20 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới trong số các đô thị có ít nhất 1 triệu dân đều thuộc Ấn Độ. Thủ đô New Delhi ở vị trí đầu bảng trong danh sách này. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với Trung Quốc khi quốc gia này có tới 35 trong số 50 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm nguồn nước. Thủ đô Lima của Peru là thành phố duy nhất ngoài châu Á lọt vào danh sách trên. 

Cũng chính các quốc gia tại châu Á là một tác nhân gây ra vấn đề khí hậu. Riêng Trung Quốc đã chiếm 60% sự gia tăng khí nhà kính trên toàn cầu kể từ năm 1990. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tới 286 triệu trong số 336 triệu dân thành thị đang chịu nguy cơ “cực kỳ cao” về môi trường. Ông Will Nichols, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định cơ cấu quản lý từ trung ương xuống địa phương của Trung Quốc và tinh thần sẵn sàng thực hiện các biện pháp, như đóng cửa nhà máy để đáp ứng mục tiêu phát thải, giúp quốc gia này giảm thiểu nguy cơ về môi trường. 

Đây là báo cáo đầu tiên trong loạt các đánh giá rủi ro đối với các thành phố. Báo cáo đã đánh giá các mối đe dọa đối với khả năng sống, tiềm năng đầu tư, tài sản bất động sản và năng lực hoạt động. Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy những mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm, trong bối cảnh tầng lớp trung lưu mới nổi đang ngày càng đòi hỏi chất lượng không khí và nước cao hơn.  

Ông Will Nichols cho biết: “Là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới và là động lực chính của sự giàu có, các thành phố này sẽ trở nên kém hiếu khách hơn khi áp lực dân số tăng lên, biến đổi khí hậu làm gia tăng các mối đe dọa từ ô nhiễm và thời tiết khắc nghiệt đe dọa vai trò của cỗ máy tạo ra của cải cho các nền kinh tế quốc gia”. Vì vậy, là khu vực kinh tế tăng trưởng ngày một năng động, càng tránh được thiên tai bao nhiêu, châu Á sẽ ngày càng phát triển bấy nhiêu.

Tin cùng chuyên mục