Theo đó, TP sẽ chủ trương thay đổi công nghệ, cách thức thu gom và xử lý rác, chuyển đổi từ chôn lấp sang công nghệ đốt. Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp chôn lấp rác mang tính lịch sử, nhưng theo thời gian đã không còn phù hợp, do bộc lộ những hạn chế, lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí...
Ép rác kín trước khi chuyển lên xe đưa đến trung tâm xử lý chất thải tại Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Thu gom 100% chất thải đúng quy định
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ước sẽ đạt 100% bằng hình thức thu gom trực tiếp và gián tiếp. Ở khu vực nội thành, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ hộ dân khoảng 96%; còn lại 4%, người dân không chuyển giao trực tiếp mà để dọc theo các tuyến đường, thùng rác công cộng. Kết hợp với việc tổ chức quét, thu gom chất thải rắn phát sinh hàng ngày trên vỉa hè, tại các thùng rác công cộng, vớt rác trên kênh, dọn quang các điểm tự phát... thì khối lượng rác phát sinh khu vực nội thành được tổ chức thu gom, xử lý đúng quy định.
Ở khu vực ngoại thành, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 90%, còn 10% người dân tự xử lý chất thải rắn trong khu đất của mình do còn nhiều đất trống như ao, vườn. Để tăng tỷ lệ thu gom ở khu vực ngoại thành, các huyện như Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ… đã lắp đặt thêm thùng rác công cộng để mở rộng mạng lưới thu gom đến người dân, đáp ứng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, Sở TN-MT, Sở NN-PTNT TPHCM cũng đã hướng dẫn người dân ở ngoại thành các mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp (mô hình ủ phân compost từ rác thải hữu cơ, kết hợp trồng rau, bón cây trồng..).
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển và xử lý tại 2 khu liên hợp xử lý chất thải của TP trung bình 8.791 tấn/ngày. Trong khi đó, khối lượng chất thải y tế nguy hại chủ yếu phát sinh từ 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân khoảng 21,4 tấn/ngày được giao Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM xử lý bằng công nghệ tiêu hủy với 2 lò đốt.
Theo tờ trình của Sở TN-MT, UBND TPHCM đã chấp thuận phương án lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận chuyển chất thải sinh hoạt, chất thải y tế và hiện 100% phương tiện đã được lắp thiết bị giám sát hành trình, cùng 40% số trạm trung chuyển và đơn vị xử lý đã hoàn thành việc lắp đặt camera.
Ngoài ra, sở cũng đang tiếp tục kêu gọi sự chung tay của các đơn vị liên quan trong việc tham gia hỗ trợ, tài trợ thùng rác công cộng có 2 ngăn cho 24 quận, huyện để việc thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn thành công hơn. Đến nay, đã có 2.300 thùng rác công cộng được lắp đặt tại 24 quận, huyện.
Tăng lượng rác đốt phát điện
Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh nên TPHCM đang đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường; trong đó có vấn đề xử lý rác thải đô thị với khối lượng lớn, đủ thành phần và đa dạng. Hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn TP khoảng 8.700 tấn, chất thải rắn công nghiệp 1.500 - 2.000 tấn và phương pháp xử lý hiện tại đa phần vẫn là chôn lấp, chiếm 76%, nhưng giải pháp này đã dần không phù hợp do bộc lộ những hạn chế như lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí…
TPHCM đã đặt mục tiêu trong giai đoạn tới sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 50% vào năm 2020 và còn 20% vào năm 2025. TP sẽ tăng tỷ lệ đốt rác để phát điện, thông qua việc kêu gọi đầu tư các dự án đốt rác từ phía tư nhân. Để thực hiện được mục tiêu này, chính quyền TPHCM cũng sẽ dành một phần ngân sách (theo chương trình kích cầu của TP) để hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho các nhà đầu tư trong nước vào các dự án xử lý chất thải rắn tập trung (thu gom, tái chế, xử lý chất thải). Những dự án này cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án.
Chia sẻ về nội dung này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho biết trong bối cảnh TPHCM đang nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường, công ty đã chuyển đổi hoạt động theo hướng hiện đại hóa trang thiết bị để nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn TP.
Cụ thể, với trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn, công ty đã đầu tư xe ép kín chuyên dụng và đưa vào hoạt động nhằm từng bước giúp giảm ô nhiễm thứ cấp, không phát sinh mùi hôi, nước rỉ rác trong quá trình vận chuyển. Hoạt động thu gom và xử lý chất thải y tế cũng được công ty đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu xử lý ngày càng cao của TP.
Riêng việc thực hiện theo chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện, công ty cũng đã có những bước chuyển biến cần thiết nhằm đáp ứng tốt nhất chủ trương mới của TP trong bối cảnh yêu cầu cải thiện chất lượng môi trường sống ngày càng trở nên cấp thiết như hiện nay.