
10 năm thực hiện phong trào Ba đảm đang, đã có 42 chị, 9 đơn vị nữ được tuyên dương Anh hùng; 1.718 chị em được tặng Huy hiệu Bác Hồ; trên 5.000 chị em được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc; gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu “Phụ nữ ba đảm đang”.
Buổi gặp mặt những phụ nữ Ba đảm đang tiêu biểu đã làm sống lại thời oanh liệt trong chiến tranh của những phụ nữ nông dân VN “tay cày, tay súng”, biến “ruộng rẫy thành chiến trường, cày cuốc thành vũ khí”.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Khiết trao bằng khen cho các đại biểu tiêu biểu.
Mỗi người trong số họ, những năm tháng ấy, với những đóng góp riêng không ai giống ai, đã tạo nên một phong trào. Đó là chị Nguyễn Thị Mười (ĐB tỉnh Hải Dương), người được kết nạp Đảng đúng vào năm 1965 – năm phát động phong trào Ba đảm đang, nữ đội trưởng Đội Khoa học kỹ thuật của hợp tác xã Đại Xuân.
Chị kể ngày đó chị hăng hái lắm, ngày đêm luyện tay cấy để tăng gia sản xuất và trở thành “Kiện tướng cấy lối mới” của xã, đưa năng suất cấy từ 1 sào/ngày lên 3 sào/ngày. Những giọt mồ hôi của chị và bạn bè đã được đồng ruộng đáp trả: năng suất lúa của xã từ 3 tấn/ha vượt lên 7 tấn/ha!
Đó là chị Quàng Thị Lĩnh, cô gái Thái ở Yên Châu (Sơn La), một trong số 420 phụ nữ đầu tiên của Yên Châu đăng ký tham gia phong trào “Ba đảm đang” ngay từ đợt phát động đầu tiên. Lúc đó chị Lĩnh mới 19 tuổi. Bản Sắp Vặt quê hương chị lúc ấy đang là trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Chứng kiến cái chết thương tâm do trúng bom Mỹ của người thân, chị Lĩnh trở thành nữ dân quân, ngày đi tải đạn, đêm san lấp hố bom, thông đường cho bộ đội kéo pháo lên trận địa.
Một lần, trong khi quan sát máy bay Mỹ, chị Lĩnh đã phát hiện ra điểm yếu trong quy luật thả bom oanh tạc của chúng và đã hạ lệnh bắn kịp thời. Pháo cao xạ của ta nhờ vậy bắn trúng một máy bay phản lực của địch, mở đầu cho phong trào bắn máy bay tầm thấp bằng súng bộ binh ở Sơn La.
Một lần khác, băn khoăn trước tình trạng ô tô của bộ đội mò mẫm qua ngầm trong đêm tối đen như mực rất nguy hiểm, chị có sáng kiến rủ chị em trong đội mặc áo trắng, nắm tay nhau ngâm mình trong nước suối lạnh buốt thành một hàng cọc tiêu trắng dẫn đường cho xe vượt ngầm 10 giờ liền. Nhờ thế, đến lúc trời sáng, cả đoàn xe đã vượt ngầm an toàn!
Ngoài ra, cũng chính người phụ nữ Thái này không ngại hy sinh gian khổ, vận động chị em thi đua lao động sản xuất, góp phần ủng hộ tiền tuyến đánh Mỹ: “Chúng tôi đã góp phần làm ra hàng chục ngàn tấn lương thực thực phẩm cho tiền tuyến và giúp đỡ cán bộ, bộ đội; tích cực động viên người thân lên đường nhập ngũ...”.
Chồng chị Lĩnh cũng là bộ đội. Ngày cưới, anh bận chiến đấu ở mặt trận không về được. Sau này, khi đã phục viên trở về với những vết thương trên cơ thể, anh tiếp tục nhận được sự chia sẻ hết lòng của vợ. Hăng say, dũng cảm trong công tác, đảm đang tận tụy với chồng con, chị Lĩnh còn là một huyện ủy viên nhiệt tình với công việc, một chánh thanh tra huyện nghiêm túc “chỉ làm việc gì đúng!” trong suốt cuộc đời mình.
Đó còn là chị Ngô Thị Tuyển (Thanh Hóa) – nữ Anh hùng LLVT, người đã làm nên điều kỳ diệu: vác hai hòm đạn nặng 98kg (gấp đôi trọng lượng cơ thể chị) chạy băng qua đê tới bờ sông cho bộ đội có đạn kịp thời bắn máy bay Mỹ. Lúc đó Ngô Thị Tuyển mới chỉ là một cô gái thôn quê 19 tuổi bé nhỏ: “Đến nay, nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó mình có thể vác hòm đạn chạy băng băng như vậy. Tôi chỉ thấy một điều rất rõ ràng rằng tôi vô cùng căm thù giặc Mỹ đã đem bom bắn phá quê hương tôi...”.
Kể lại chiến công 40 năm trước, người phụ nữ ấy vẫn chưa hết xúc động vì được góp phần vào việc bảo vệ cầu Hàm Rồng - nơi có trận địa pháo mà chỉ trong trận đầu ra quân đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, đưa tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc đến thời điểm đó lên con số 100!
Trong số những phụ nữ “Ba đảm đang” có thành tựu xuất sắc trong khoa học, phải kể đến nữ GS-TS Phạm Thị Trân Châu – người đã biết sắp xếp thời gian, cuộc sống gia đình và công việc một cách hợp lý nhất để toàn tâm toàn ý dành mọi nỗ lực cho việc nghiên cứu khoa học. Là một nữ khoa học làm việc trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh, bà Châu cũng như nhiều phụ nữ VN khác phải trải qua những năm tháng cam go nhất để vừa nuôi dạy con cái vừa làm việc và hoàn thành nhiệm vụ.
Còn nhớ, chỉ với một chiếc xe đạp, người phụ nữ ấy đã đi khắp các vùng phía Bắc, mày mò, gom góp để tạo dựng một phòng thí nghiệm quý giá cho việc giảng dạy sinh viên ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nơi bà công tác. Củ khoai lang bình thường nhưng với bà, lúc đó, là thứ thực phẩm vô cùng quý giá. AHLĐ Trịnh Thị Toan - hiện là Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Dệt may VN, năm xưa là người thợ giỏi đoạt danh hiệu “Giải nhất Bàn tay vàng”, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua ngành dệt của Nhà máy Dệt 8-3. Mục tiêu “Ba triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt” ngày đó đã khiến chị với các nữ công nhân trong nhà máy làm việc quên thời gian. Họ thi đua nhau “Mở máy sớm, đóng máy muộn, đứng tăng ca, đưa năng suất lên gấp 2-3 lần so với định mức”. Bản thân chị Toan luôn về trước kế hoạch từ 2-3 tháng mỗi năm.
Không thể kể hết thành tích, những đóng góp của những người phụ nữ lớn lên, trưởng thành trong phong trào “ Ba đảm đang”. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh người phụ nữ VN “Ba đảm đang” vẫn là hình ảnh kết tinh nhất, đẹp đẽ nhất. Thời đại không thể quên ơn họ. Con cháu lớn lên không thể quên ơn họ. Tự hào thay, đã có một thời phụ nữ của chúng ta sống như thế!
MỘC MIÊN