Hiroshima - biểu tượng đoàn kết phi hạt nhân

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã chính thức khai mạc với sự kiện các nhà lãnh đạo G7 đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima.
Các nhà lãnh đạo G7 đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ảnh: NIKKEI ASIA
Các nhà lãnh đạo G7 đến thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ảnh: NIKKEI ASIA

Đây là lần đầu tiên, tất cả nhà lãnh đạo G7, trong đó có 3 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp, cùng đến thăm bảo tàng.

Không phải ngẫu nhiên mà TP Hiroshima được chọn làm nơi tổ chức hội nghị lần này. Vụ ném bom nguyên tử xuống TP Hiroshima đã để lại ký ức dấu ấn không thể quên của người dân thành phố, cũng như với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima là nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố phía Tây Nhật Bản vào ngày 6-8-1945.

Là người thúc đẩy quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại đây, Thủ tướng Kishida đã nhấn mạnh sự cần thiết để các nhà lãnh đạo G7 chứng kiến tận mắt hậu quả của việc sử dụng bom nguyên tử trong bối cảnh động lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân còn chưa thật mạnh mẽ.

Mặc dù thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, song, thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa từ loại vũ khí giết người hàng loạt này. Tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân trên thế giới đang diễn ra rất chậm chạp và các cường quốc sở hữu vẫn tiếp tục hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân của mình.

Với tham vọng hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân - một trong những mục tiêu chính trị chính của mình, Thủ tướng Kishida đã ấn định vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này, coi đây là điểm khởi đầu cho tất cả nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Theo ông Kishida, thay vì nhắm đến việc loại bỏ hạt nhân trong một bước duy nhất, bước đầu tiên thực tế có thể là cam kết không triển khai các loại vũ khí như vậy qua hội nghị này. Trong bài phát biểu hồi tháng 1 tại Washington, Thủ tướng Fumio Kishida đã nhấn mạnh, thế giới không nên coi nhẹ sự thật là đã không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong 77 năm qua.

Thế giới đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng lớn, làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế. Mục tiêu chính của hội nghị lần này là củng cố trật tự quốc tế dựa trên quy định của pháp luật, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ trật tự này, đồng thời phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân, phản đối việc sử dụng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng.

Với việc nhiều nước đang đe dọa tăng cường vũ khí hạt nhân, thì vị trí của Hiroshima được coi là cơ hội mang tính biểu tượng để G7 đoàn kết kêu gọi giải trừ quân bị và không triển khai vũ khí hạt nhân.

TP Hiroshima cũng đang kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân và bằng cách thể hiện di sản “tinh thần của Hiroshima”, xứ sở Mặt trời mọc cũng mong muốn, bên cạnh thông điệp về một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân, thì ẩm thực địa phương cũng như văn hóa truyền thống sẽ được biết đến rộng rãi ở cả Nhật Bản và nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục