Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm

Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội chiều 28-5 nêu rõ những điểm mới của dự thảo luật, trong đó có quy định về hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (DBĐV) và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Đáng chú ý, Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội chiều 28-5 nêu rõ những điểm mới của dự thảo luật.

Cụ thể, đối với công dân gồm 8 điểm mới, trong đó có nội dung không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng Internet để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện thủ tục tại công an địa phương nơi thuận tiện nhất (quy định hiện hành là nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn).

Đối với hộ chiếu phổ thông, không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần hai trở đi được lựa chọn nơi tiếp nhận tờ khai (quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn 1 ngày vẫn phải về công an địa phương nơi thường trú để nộp hồ sơ, còn hạn 1 ngày có thể nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh). Công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu, quy định này nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.

Hộ chiếu cấp riêng cho từng người (quy định hiện hành, người chưa đủ 9 tuổi cấp chung với bố, mẹ, thời hạn 5 năm); người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử.

Luật cũng quy định khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu, để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn.

Về giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 3 điểm mới: hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại, gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm để phù hợp với Luật Căn cước công dân, có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử.

Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn không quá 5 năm (không gắn chíp điện tử). Cùng với đó, thay cho việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay bằng việc cấp hộ chiếu theo thủ tục rút gọn để thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp, không phát sinh thêm mẫu mới.

Về đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cơ quan, người có thẩm quyền cử, cho phép, quyết định người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ ra nước ngoài, Chính phủ tán thành loại ý kiến thứ nhất là quy định mang tính nguyên tắc chung cho cả đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ.

Thảo luận về dự án luật này, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) và các ĐB khác đều ủng hộ luật này, nhất là hộ chiếu gắn chíp điện tử để thuận lợi cho quản lý.

Đáng chú ý, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) đều đề nghị quy định rõ những trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, nếu sai thì ai phải bồi thường cho người bị tạm hoãn xuất cảnh sai, gây thiệt hại đến công việc của họ.

Tin cùng chuyên mục