
Lâu nay, bệnh nhân đến điều trị tại các cơ sở y tế công lập cũng như ngoài công lập đều được lập bệnh án và lưu giữ gần như “tuyệt mật”. Sau khi xuất viện, bệnh án này thường không được bệnh viện trả lại cho bệnh nhân. Dự thảo Luật Khám chữa bệnh vừa được đưa ra lấy ý kiến đang đặt ra vấn đề: Liệu hồ sơ bệnh án có được trả lại cho bệnh nhân?
Tư trả lại, công nói không
Qua tìm hiểu, tại hầu hết các bệnh viện công lập ở TPHCM, bệnh nhân sau khi xuất viện chỉ vỏn vẹn cầm đơn thuốc về. Một số trường hợp may mắn thì được trả các phiếu kết quả xét nghiệm, phim chụp X-quang. Còn các thông tin, tài liệu liên quan đến bệnh tình, quá trình điều trị ra sao thì không hề hay biết và đã được bệnh viện… giữ lại.
Đa phần bệnh nhân đã “quen” với việc làm này của bệnh viện. Tuy nhiên, cũng nhiều bệnh nhân cho rằng họ cần bệnh án để xem có được điều trị đúng phác đồ hay không hoặc khi cần điều trị tại các cơ sở khác sẽ có thêm thông tin cung cấp cho bác sĩ nhưng yêu cầu chính đáng đó không được đáp ứng.
Bệnh nhân Nguyễn Thanh Tuấn, đang điều trị tại BV Nhân dân 115 cho biết, anh muốn được trả bệnh án để sau này lỡ bệnh có tái phát sẽ đưa cho bác sĩ điều trị để biết được quá trình trước đó anh đã được điều trị ra sao, bị bệnh gì, uống thuốc gì.
“Đã trả viện phí, tiền dịch vụ thì hồ sơ bệnh án cũng là sở hữu của bệnh nhân nên trả cho bệnh nhân mới phải” - anh Tuấn phân trần.

Chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: TG.LÂM
Còn bệnh nhân Lê Văn Dũng đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho rằng mỗi lần đến mỗi bệnh viện lại làm một hồ sơ bệnh án thì quá tốn kém, phiền hà cho bệnh nhân. Đồng thời nếu điều trị tại một bệnh viện này không hiệu quả nhưng sang bệnh viện khác bác sĩ không biết bệnh án đã điều trị thế nào mà vẫn điều trị như ở bệnh viện trước đó thì liệu có khỏi bệnh.
Trong khi đó, tại một số bệnh viện tư như Triều An, Hoàn Mỹ…, nếu bệnh nhân yêu cầu hồ sơ bệnh án sẽ được tiết lộ hoặc trả lại.
BS Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, với bệnh viện tư mọi cái đều là cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Do đó, không có lý gì họ đã bỏ tiền ra mà không được quyền biết về hồ sơ bệnh án.
Đại diện Bệnh viện Triều An cũng thừa nhận là không thể từ chối yêu cầu cung cấp bệnh án cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn phải giữ lại như bệnh nhân tử vong không có người thân, các tai nạn rủi ro trong điều trị… để cung cấp cho cơ quan điều tra hay thanh tra y tế khi cần thiết.
Trả lại hay không trả lại?
Tại buổi lấy ý kiến cho dự Luật Khám chữa bệnh tại TPHCM vừa qua, BS Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM, cho rằng có thể giải thích cho bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân về bệnh án hoặc quá lắm cho họ tham khảo chứ không trả lại.
Lý do là nếu lỡ xảy ra khiếu nại thì bệnh viện còn có hồ sơ đối chiếu, cung cấp cho cơ quan chức năng hoặc chí ít có thể sử dụng cho việc nghiên cứu, rút kinh nghiệm điều trị. Cùng quan điểm này, BS Trần Sơn Thạch, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, cho rằng hồ sơ bệnh án là thông tin điều trị của bác sĩ, chỉ đội ngũ y bác sĩ trao đổi với nhau hoặc cung cấp cho cơ quan chức năng như sở y tế, pháp y… chứ không thể trả lại cho bệnh nhân.
Theo dự thảo Luật Khám chữa bệnh vừa được đưa ra lấy ý kiến, hồ sơ bệnh án bao gồm các tài liệu, thông tin liên quan trực tiếp đến quá trình khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh. Và hồ sơ này được lưu trữ theo các cấp độ mật của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước: Hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú thông thường được lưu trữ ít nhất 10 năm; hồ sơ bệnh án tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt được lưu trữ ít nhất 15 năm; hồ sơ bệnh án đối với người bệnh tử vong được lưu trữ 20 năm.
Theo Điều 59 của dự thảo Luật Khám chữa bệnh, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép khai thác hồ sơ bệnh án trong các trường hợp sau đây: Sinh viên thực tập, bác sĩ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo mục đích công việc được mượn đọc hồ sơ bệnh án tại chỗ; Đại diện cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thanh tra chuyên ngành y tế, cơ quan bảo hiểm, tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, luật sự tùy theo mục đích của vụ việc được mượn đọc hoặc sao chép hồ sơ bệnh án tại chỗ; Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được mượn đọc hoặc sao chép hồ sơ bệnh án tại chỗ; Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về y tế trực tiếp quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo mục đích của vụ việc được mượn đọc hoặc sao chép hồ sơ bệnh án.
Khoản 5 Điều 51 của dự luật cũng quy định người hành nghề khám chữa bệnh có nghĩa vụ không tiết lộ tình trạng bệnh tật của người bệnh và những thông tin mà người bệnh đã cung cấp cho mình, giữ bí mật hồ sơ bệnh án.
Như vậy, qua các ý kiến của lãnh đạo các bệnh viện cũng như dự Luật Khám chữa bệnh cho thấy hồ sơ bệnh án vẫn là… bí mật.
Điều này hoàn toàn trái ngược với thực tế của các bệnh viện tư nhân hiện nay cũng như hoạt động khám, chữa bệnh của nhiều nước trên thế giới. Nói như BS Phan Văn Báu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cần xem xét mọi chuyện một cách căn cơ để vừa phù hợp với xu hướng quốc tế và thực tế nhu cầu của bệnh nhân.
TƯỜNG LÂM