Trước đó, UBND TPHCM đã yêu cầu, đến năm 2020, các đơn vị liên quan phải vận động thành công 50% hộ dân tham gia PLRTN và phân loại đúng quy cách. Tỷ lệ này phải tăng lên tối thiểu 80% vào năm 2025.
Áp lực lượng rác gia tăng
Thống kê của Sở TN-MT TPHCM cho thấy, hiện khối lượng rác thải phát sinh mỗi ngày tại TP khoảng 8.000 tấn, tăng hơn 1.000 tấn/ngày so với cùng kỳ năm 2016. Phần lớn lượng rác sinh hoạt đều chưa được phân loại khi thu gom. Do vậy, có đến trên 80% lượng rác thải sinh hoạt vẫn đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Đây chính là rào cản lớn nhất để có thể thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 là giảm lượng rác thải chôn lấp xuống còn 60%, tăng lượng rác tái chế đạt 40%.
Thực hiện PLRTN là cơ sở để thực hiện mục tiêu giảm lượng rác thải chôn lấp còn 60% và tăng lượng rác tái chế lên mức 40%. Do vậy, từ năm 2006, thành phố đã triển khai thí điểm PLRTN nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Phân tích những hạn chế này, GS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, cho biết yếu tố nguồn nhân lực thực hiện chương trình còn quá yếu. Tại mỗi phường, xã chỉ có từ 1 - 2 cán bộ phụ trách lĩnh vực đô thị nói chung nên kiêm nhiệm quá nhiều việc, không thể duy trì công tác tuyên truyền thường xuyên. Trong bối cảnh đó, người dân lại cho rằng, đây chỉ là hoạt động phong trào nên tâm thế tham gia cũng… theo phong trào. Đến khi lực lượng tuyên truyền viên rút khỏi hoạt động thì thói quen PLRTN cũng dừng lại. Sở TN-MT cũng đã nỗ lực ký kết liên tịch với các đoàn thể chính trị xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền PLRTN đến hộ gia đình nhưng hoạt động cũng chỉ mang tính chất phong trào nên không duy trì lâu dài.
Một yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành công của chương trình PLRTN là hạ tầng tiếp nhận và thu gom rác theo phân loại tại hộ gia đình vẫn chưa được trang bị đồng bộ. Mặt khác, tình trạng “da beo” trong hoạt động thu gom giữa lực lượng thu gom chính quy (của công ty dịch vụ công ích các quận, huyện) và lực lượng thu gom rác dân lập khiến việc đồng bộ hóa trang thiết bị theo quy chuẩn rất khó thực hiện. Do vậy mới phát sinh tình trạng người dân thực hiện PLRTN nhưng lực lượng thu gom lại gom chung, gây mất niềm tin trong việc ủng hộ chương trình của cộng đồng dân cư.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho rằng những khó khăn trên đã được các quận, huyện phản ánh nhiều lần và đây cũng là nguyên nhân chính khiến hiệu quả của chương trình PLRTN không cao. Ngoài ra, các địa phương còn gặp khó khăn vì thiếu kinh phí triển khai chương trình.
Đồng bộ chi phí và chế tài
Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho biết, để giúp các quận, huyện thực hiện PLRTN, TP sẽ hỗ trợ khoảng 500 triệu đồng/phường, xã/năm. Đến đầu năm 2018, mức hỗ trợ tăng lên 1 tỷ đồng/phường, xã/năm. Không dừng lại ở đó, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh chi phí thì các địa phương thống kê, tổng hợp báo cáo để Sở Tài chính tính toán, cân đối lại và trình UBND TP để có mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.
Theo các chuyên gia môi trường, hỗ trợ chi phí để đẩy mạnh hoạt động PLRTN là đúng. Tuy nhiên, TP cần phân tích những yếu tố thành công từ mô hình khu phố xanh đã triển khai tại quận Tân Phú để rút ra những kinh nghiệm cần thiết, tránh sử dụng ngân sách thiếu hiệu quả.
Bà Trần Thị Hồng Cúc, Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Tân Phú, cho biết để có thể thực hiện thành công mô hình khu phố xanh tại các tuyến đường trọng điểm của phường như Độc Lập, Trần Hưng Đạo, Cây Keo... trước hết phường phải xem xét toàn diện các yếu tố gồm: đơn vị thu gom là lực lượng chính quy hay dân lập, khảo sát mức độ đồng thuận của người dân và xác lập thời gian biểu thu gom rác phù hợp với thói quen sinh hoạt của người dân. Kế đến, làm việc với hệ thống chính trị liên quan, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn quận để phối hợp lập kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân tham gia.
Cuối cùng mới triển khai thực hiện chương trình tuyên truyền và hướng dẫn người dân PLRTN. Có thể thấy, chương trình triển khai từ năm 2013 và đến nay, dù phường có tổ chức tuyên truyền hay không tuyên truyền thì người dân tại các tuyến được đã được triển khai mô hình khu phố xanh của quận Tân Phú nói chung và phường Tân Thành nói riêng vẫn đều đặn duy trì thói quen PLRTN và thu gom rác theo phân loại đúng định kỳ trong tuần.
Yếu tố quan trọng để quận Tân Phú thực hiện được điều này, trước hết lực lượng thu gom phải là lực lượng chính quy (tại quận Tân Phú do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đảm trách), có tổ chức, đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cách thức thu gom theo phân loại (thùng màu xanh thu rác hữu cơ và thùng màu vàng thu rác vô cơ). Và quan trọng nhất, tất cả hoạt động tuyên truyền, thu gom rác phải tiến hành thường xuyên, đều đặn. Có như vậy mới tạo niềm tin lâu dài và thói quen thực hiện PLRTN trong cộng đồng dân cư.
Trong khi đó, ông Khuất Triều Long, Trưởng phòng Phòng TN-MT quận 3, nêu bức xúc về vấn đề lực lượng thu gom rác dân lập thường thu gom không đúng giờ giấc, phương tiện đơn sơ, quá trình vận chuyển không đảm bảo yêu cầu… và kiến nghị để nâng cao hiệu quả của chương trình, TP cần có giải pháp hỗ trợ để đưa họ vào hợp tác xã hay doanh nghiệp và cần có chế tài thật mạnh để họ thực hiện tốt trách nhiệm của mình.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của các địa phương, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, sở đang hỗ trợ xây dựng nhiều giải pháp thực hiện PLRTN để các quận, huyện lựa chọn, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Từ ngày 1-7-2017, các quận, huyện bắt buộc phải thực hiện đấu thầu thu gom, vận chuyển rác. Tất cả các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển rác đều phải thực hiện đúng lộ trình PLRTN theo kế hoạch của UBND TPHCM.
Ngoài ra, Sở TN-MT đang trình ý kiến lên UBND TP về việc đến ngày 1-1-2019 sẽ triển khai thực hiện chế tài đối với các chủ nguồn thải không thực hiện PLRTN. Mức xử phạt sẽ từ 15 - 20 triệu đồng.