Mặc dù Thủ tướng đã ra quyết định về việc hỗ trợ lãi suất 4% cho các hộ nông dân vay vốn mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng theo chính sách kích cầu nông nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thời hạn giải ngân chỉ còn vài tháng. Song việc triển khai chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn kích cầu đang gặp khó khăn, tốc độ giải ngân khá chậm, dòng vốn vẫn chưa được khai thông nhiều.
Doanh nghiệp, ngân hàng, nông dân cùng “tắc”
Phần lớn những nông dân mà chúng tôi gặp cho biết họ vẫn chưa hiểu rõ về chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất 4% theo gói kích cầu của Chính phủ, cũng chưa từng được chính quyền sở tại, các hội phổ biến. Trong khi đó, một số người mặc dù đã tìm cách tiếp cận với gói vốn vay song lại gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như ngân hàng còn đòi hỏi các hồ sơ, thủ tục khá rườm rà, chưa kể nhiều ngân hàng còn trả lời đã “cạn” vốn nên không thể giải ngân được.
Những người may mắn vay được tiền thì lại không dám mua sắm do loại máy móc buộc phải mua theo đề nghị không thể đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Trong khi nhiều loại máy móc nội nằm trong danh mục được hỗ trợ thì lại không hề có trên thị trường!
Ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Trưởng phòng Thị trường kinh doanh Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, chính sách cho vay vốn hỗ trợ 4% hiện chưa rõ ràng, nhiều nơi không hề xác định được rằng đây là một chương trình vay độc lập với các nguồn vốn vay khác nên hầu như nông dân đã vay ở các nguồn khác thì không thể vay vốn kích cầu được nữa.
Ông Nguyễn Hữu Tùng, Giám đốc doanh nghiệp cơ khí CCB-502, phàn nàn, hiện nay vướng mắc là các ngân hàng đều đòi hỏi nông dân khi mua máy móc phải có hóa đơn giá trị gia tăng thì mới giải ngân hỗ trợ. Trong khi nông dân chỉ quen mua lẻ… cho rẻ, không cần hóa đơn.
Một cái khó nữa là hầu hết ngân hàng ngoài quốc doanh hiện đều ngại cho nông dân vay vốn vì cho rằng độ rủi ro cao. Nhóm ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài và công ty tài chính thì chưa cho bà con nông dân vay được đồng nào.
Theo bà Lê Thị Thu Hường, Phó Trưởng phòng Cơ chế tín dụng và lãi suất thuộc Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có tới 98,2% tổng số tiền đã giải ngân là của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và quỹ tín dụng trung ương, mà cụ thể là đang dồn vào Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (chiếm 92,6%).
Từ đó dẫn tới tình trạng Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam đang bị “cháy” vốn. Ông Lê Đức Hải, cán bộ tín dụng của ngân hàng trên, khẳng định: “Tổng nguồn vốn cho vay theo chính sách hỗ trợ lãi suất 4% của chúng tôi đang sắp cạn, có chi nhánh đã vượt quá dư nợ cho phép”.
“Ba nhà” đề nghị lùi thời hạn
Trong khi tiến độ giải ngân khá chậm thì theo quy định, thời hạn giải ngân theo chính sách hỗ trợ lãi suất chỉ còn có 4 tháng nữa. Do đó, hiện nay, cả nông dân, các doanh nghiệp sản xuất máy móc, nông cụ và ngân hàng đều đề nghị được kéo dài thời hạn giải ngân sau ngày 31-12-2009. Riêng Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam đã kiến nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ bổ sung nguồn vốn kích cầu, tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Bộ NN-PTNT cũng đã đưa ra đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế chính sách cho nông dân được vay các khoản tín dụng để mua máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, ngư cụ đánh bắt cá với lãi suất 0%. Trong đó, đảm bảo mức vốn vay cho nông dân lên tới 100% giá trị của loại máy móc trong vòng 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi thì giảm 50% lãi suất vốn vay.
Đồng thời, rà soát và giảm thuế suất nhập khẩu một số loại máy phục vụ nông nghiệp trong nước chưa sản xuất được như máy gieo hạt, máy trồng cây, máy cấy, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm củ hoặc rễ (hiện đang có thuế suất nhập khẩu 5%) giảm xuống còn 0% để giúp nhiều nông dân được tiếp cận với máy móc và chính sách hỗ trợ lãi suất hơn.
Văn Phúc Hậu