Mong muốn lớn nhất của người khuyết tật (NKT) là được làm việc để có nguồn thu nhập ổn định. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (gọi tắt HBT) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tranh thủ các dự án giúp người tàn tật tự tạo việc làm ổn định, tự tin hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.
Hàng ngàn NKT được học nghề và việc làm
Nhiều năm qua, HBT đã tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như Mỹ, Pháp, Canada, Thụy Điển, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia… trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực môi trường, văn hóa, y tế, giáo dục, hỗ trợ NKT, trẻ mồ côi và người nghèo.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 29.000 NKT, đa số hoàn cảnh khó khăn, luôn mong muốn việc làm ổn định, có thu nhập và không phải sống dựa dẫm vào người khác. Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng trung tâm dạy nghề và mỗi năm có khoảng 150 - 170 NKT đến học nghề may dân dụng, may công nghiệp, mộc mỹ nghệ, thêu ren truyền thống, tin học, điện - điện tử, sửa xe gắn máy… và được giúp tiền ăn ở, khám điều trị kịp thời khi đau ốm. Hội còn mở các xưởng sản xuất, gia công gần 147.000 sản phẩm may, mộc mỹ nghệ và thêu ren trị giá hơn 2,5 tỷ đồng để học viên có thêm việc làm với mức thu nhập 800.000 đồng/em/tháng. Trong số hơn 3.300 học viên được đào tạo nghề, có khoảng 2.500 em có việc làm ổn định.
Người khuyết tật được vay vốn, trang bị máy móc để làm nhang
Thông qua dự án mô hình hỗ trợ sinh kế NKT, hội đã hỗ trợ trên 1.000 gia đình người tàn tật, nuôi trẻ mồ côi, phụ nữ đơn thân, người nghèo vay 1 - 4 triệu đồng/hộ để sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ nhỏ. Với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, 30 gia đình tham gia dự án nuôi bò sinh sản ở thôn Dổi (xã Thượng Lộ, Nam Đông) và xã Bình Điền (thị xã Hương Trà), mỗi hộ được nhận 4 triệu đồng để mua bò giống. Hay như 50 gia đình nghèo ở phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) mỗi hộ nhận 2 triệu đồng để trồng cây thanh trà. Tổ phụ nữ A Lưới dệt Zèng được hỗ trợ 20 triệu đồng làm các mặt hàng thổ cẩm ở huyện A Lưới.
Đặc biệt, trên 130 gia đình nghèo ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) và xã Bình Điền (thị xã Hương Trà) có con học đại học, cao đẳng được vay 2 triệu đồng/em/năm để đi học. Sau khi ra trường hoàn trả dần để hội luân chuyển em khác vay, tất cả các hộ vay đều không tính lãi suất.
Chỗ tựa của những người yếu thế
Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức với gần 41 tỷ đồng, hội đã xây dựng và sửa chữa trường tiểu học, xây mới 20 nhà mầm non mẫu giáo, trao tặng trên 600 bộ góc học tập và 1.600 học bổng giúp học sinh nghèo vượt khó hiếu học… Hỗ trợ xây dựng trên 40 nhà tình thương giúp gia đình người tàn tật, gia đình nuôi trẻ mồ côi và người nghèo. Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung góp trao tặng NKT, trẻ mồ côi gần 2.300 xe lắc, xe lăn, xe đẩy và xe đạp.
Tổ chức phục hồi chức năng 505 em khuyết tật dưới 14 tuổi, trong đó có nhiều em bị chất độc da cam, phẫu thuật chỉnh hình 15 em. Vận động tài chính để mổ tim bẩm sinh 121 em khuyết tật, mồ côi, gia đình nghèo. Phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể 340 người mù nghèo. Tổ chức nhiều đợt khám bệnh và phát thuốc miễn phí 4.293 người thuộc gia đình chính sách, người tàn tật, trẻ mồ côi và người nghèo ở các huyện trong tỉnh…
Ông Phạm Bá Vương, Chủ tịch HBT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết thông qua hội, các tổ chức và cá nhân hảo tâm đã có những hỗ trợ thiết thực để NKT có điều kiện vay vốn buôn bán, làm ăn để ổn định cuộc sống. Vì vậy, rất nhiều NKT thoát nghèo, có điều kiện cho con ăn học đến nơi, đến chốn.
HUẾ THU