Thời gian qua, thịt heo nóng thường nhiễm khuẩn E.coli, Salmonella gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nguyên nhân là con heo vận chuyển không đúng cách, môi trường giết mổ, buôn bán không đảm bảo hợp vệ sinh. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) xây dựng, trình ban hành Tiêu chuẩn quốc gia “Thịt mát - Yêu cầu kỹ thuật” nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiến tới xuất khẩu thịt mát.
Chất lượng tốt đảm bảo sức khỏe
Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, chăn nuôi heo chiếm khoảng hơn 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam. Trong bữa ăn, thịt heo chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 70% các loại thịt. TS Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản (thuộc Nafiqad) - trưởng ban soạn thảo tiêu chuẩn thịt mát, cho rằng: “Sử dụng thịt mát sẽ đảm bảo các yếu tố về an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng của sản phẩm, chất lượng cảm quan, đặc biệt thời hạn bảo quản dài”.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad, chia sẻ thịt mát đang là sản phẩm được tiêu thụ tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới. Nguyên tắc “nhanh, lạnh, sạch” được áp dụng trong cả chuỗi, từ việc giết mổ nhanh nhất có thể, rồi đưa vào làm lạnh ngay, đến tất cả các bề mặt tiếp xúc từ con người, dao thớt, cho đến mặt bàn… đều phải làm vệ sinh sạch sẽ để tránh ô nhiễm vi sinh.
Dự thảo quy định rõ tiêu chuẩn đối với nguyên liệu, yêu cầu kỹ thuật tại từng công đoạn sản xuất, điều kiện bảo quản, phân phối để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng. Cụ thể, con heo được giết mổ, làm sạch xong, phải đưa ngay vào kho lạnh ở nhiệt độ từ 0oC - 4oC, trong thời gian từ 16 - 24 giờ, để đảm bảo quá trình chín sinh hóa, trước khi mang ra thị trường. Thịt pha lóc, sơ chế trong điều kiện nhiệt độ phòng được làm lạnh không quá 7oC. Nhiệt độ phòng pha lọc và đóng gói luôn được duy trì dưới 12oC. Trong quá trình vận chuyển, bảo quản, bày bán cũng được yêu cầu bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 0oC - 4oC. Trước khi giết mổ, con heo không được vận chuyển liên tục đến địa điểm giết mổ quá 8 giờ, heo không được ăn ít nhất từ 12 đến 18 giờ trước khi giết mổ, đảm bảo nguồn nước uống sạch trước khi giết mổ. Thịt mỡ sống có màu trắng sữa đồng đều, thịt nạc có màu đỏ đặc trưng đồng đều. Thịt mát giữ không đóng gói kín không quá 7 ngày, có đóng gói kín không quá 12 ngày.
Theo ông Đàm Văn Hoạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Trại Việt, hiện nay người Việt Nam sử dụng nội tạng rất nhiều, đó cũng là sản phẩm có tỷ lệ nhiễm khuẩn cao, nên cần quy định thêm về nội tạng mát, cũng như tránh tình trạng nhập khẩu từ nước ngoài. |
Minh bạch thông tin Tại hội nghị góp ý xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia “Thịt mát - Yêu cầu kỹ thuật”, một doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu thịt mát, thịt đông từ nước ngoài cho biết, hiện nay có thực trạng nhiều siêu thị, cửa hàng đề nghị DN tăng số lượng cung cấp thịt đông và hạn chế lượng thịt mát. Lấy làm lạ, DN tìm hiểu những đơn vị nhập sản phẩm của mình, thì phát hiện không thấy bán thịt đông. Thay vào đó, thịt đông được rã đông ra thành thịt mát và bán với giá thịt mát để hưởng lợi nhuận cao (thịt đông giá rất thấp, thịt mát giá cao hơn). Điều nguy hiểm, nếu thịt đông rã thành thịt mát mà không được bảo quản đúng nhiệt độ sẽ làm miếng thịt nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo một chuyên gia, thịt đông khi rã ra thành thịt mát thì vẫn phải ghi trên nhãn là “thịt đông”, nếu ghi “thịt mát” sẽ bị phạt. Do hiểu tâm lý người tiêu dùng không thích ăn thịt đông, các siêu thị, cửa hàng chỉ ghi trên nhãn mác là “thịt”. Từ “thịt” là danh từ chung cho nên không thể xử phạt, nhưng việc “mượn đầu heo nấu cháo” để bán với giá cao hơn là hành vi gian lận thương mại. Tương tự, với rau củ, không ít bếp ăn tập thể cũng “gian lận”, mua sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP số lượng ít để có hợp đồng hợp lệ chứng minh cho các công ty, trường học… Sau đó mua sản phẩm không an toàn từ chợ đầu mối về “trộn thêm”. Tại hội thảo “Nông sản hữu cơ, nông sản sạch: Liên kết giữa sản xuất và phân phối, bán lẻ”, ông Naohisa Saeki, Phó Tổng giám đốc Khối Vận hành và Khối Thu mua của AEON Việt Nam, chia sẻ ở Nhật Bản chỉ có 2 hình thức là sản xuất hữu cơ và sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tất cả đều minh bạch thông tin cho người tiêu dùng biết. Còn tại Việt Nam có nhiều tiêu chuẩn, như sản xuất theo kiểu bình thường, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thủy canh và hữu cơ. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là sản xuất theo tiêu chuẩn bình thường (không có thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng). Thực trạng này khiến người tiêu dùng khó xác định đâu là sản phẩm sạch. Theo ông Naohisa Saeki, hiện nay có một cách làm là thị trường (địa phương, chợ đầu mối) nêu yêu cầu về tiêu chuẩn “sạch” khi đặt hàng, người sản xuất buộc phải tuân theo quy luật thị trường, hướng tới sẽ không còn thực phẩm “bẩn”. Tỉnh Đồng Tháp thì có cách làm ngược lại, buộc sản phẩm trong tỉnh phải truy xuất nguồn gốc, đồng thời đề nghị các chợ đầu mối và TPHCM chỉ nhận sản phẩm truy xuất nguồn gốc với thông tin minh bạch. Nhờ vậy, nông dân Đồng Tháp chuyển sang sản xuất nông sản an toàn nhiều hơn, ý thức cao hơn, nếu không sẽ không có đầu ra. Thực tế cho thấy, Nhà nước cần ban hành những quy định chặt chẽ để buộc người sản xuất, DN và thị trường phải minh bạch thông tin thực phẩm, cơ quan quản lý và người tiêu dùng sẽ giám sát và chọn lựa, để hướng tới đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng. LÊ THANH |