Việc lấy tiêu chuẩn phân luồng của Nhật - một quốc gia dân trí cao, tự trọng lớn, kiểm soát chặt - để áp vào sử dụng tại Việt Nam, liệu có khả thi?
“Mở cửa” cho cán bộ hải quan nhiều quyền hành
Theo quy định, doanh nghiệp (DN) 2 năm không vi phạm pháp luật về thuế, xuất nhập khẩu các mặt hàng thông thường sẽ được xét vào luồng xanh và khi đã vào luồng xanh là không bị bất kỳ một kiểm tra hàng hóa nào. Nhiều ý kiến cho rằng, như vậy DN chỉ cần “nín thở qua sông”, 2 năm “ngoan ngoãn” và sau đó sẽ… buôn lậu!
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn bức xúc về việc “hàng vào luồng xanh thì không bị kiểm tra, sau đó được đưa thẳng vào kho, mà kho đó thuê đất của quân đội, là xem như không làm gì được”.
Đó là lý do đã từng có container gỗ quý khai là xơ dừa vẫn lọt qua được cửa khẩu hải quan. Cuối cùng lô hàng bị cơ quan quản lý thị trường phục bắt trên đường vận chuyển, nhờ tin báo tội phạm. Còn đến giờ, bao nhiêu container hàng lậu, hàng cấm qua luồng xanh, không ai biết được vì không kiểm tra, cũng không soi qua máy…
Thực tế, dù không quản lý chặt ở cửa khẩu, nhưng Nhật có thể quản lý chặt ở khâu nội địa, nếu hàng gian có lọt vào cũng không tồn tại được. Ấy vậy mà bao nhiêu năm qua, Việt Nam vẫn áp dụng “cắt ngọn” luồng xanh, trong khi không thể kiểm soát thị trường nội địa, không có chế tài nghiêm ngặt, lại “mở cửa” cho cán bộ hải quan nhiều quyền hành, thì vấn đề buôn lậu hợp pháp qua luồng xanh là không tránh khỏi.
Nhiều nẻo thất thu thuế
Nếu như phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, hiện tượng cán bộ thuế bắt tay với hộ kinh doanh cá thể để hạ doanh số nhằm “cưa” số thuế phải nộp cần phải được chấn chỉnh, thì việc cán bộ hải quan bắt tay với DN để hướng dẫn đưa hàng vào luồng xanh cũng cần phải chú trọng khắc phục.
Thực tế hiện nay, thông tin ngành hải quan bị lọt ra ngoài, trên mạng phát sinh việc tiếp thị bán dữ liệu xuất nhập khẩu của DN đối thủ một cách công khai. Việc loại dữ liệu chỉ có Tổng cục Hải quan nắm lại được bày bán công khai đã khiến không ít DN hoang mang.
Một DN ở quận Bình Tân cho rằng đó là thông tin lừa đảo nên đã thử bằng cách đăng ký mua lại dữ liệu xuất nhập khẩu của chính DN mình xem thế nào, sau khi mua được đã đối chiếu với dữ liệu của công ty thì… đúng sự thật! Và nếu vậy, những quy định nội bộ không khó để được cán bộ hải quan “bật mí” cho DN để đưa hàng vào luồng xanh.
Còn nhớ trước đây, 600 bánh heroin lọt qua hải quan Việt Nam và sau đó bị bắt ở Đài Loan được giải trình là do… máy soi hư. Việc máy hư “tình cờ” với thời điểm lượng lớn ma túy qua cửa khẩu khiến khó có thể không nghi ngờ về sự bắt tay cấu kết. Rõ ràng, với quy định hiện nay, Nhà nước đã giao quyền mà khả năng giám sát còn lỏng lẻo, là nguyên nhân Nhà nước không thu được thuế, DN hoành hành.
Hiện tại, công tác quản lý trong ngành hải quan bị đánh giá là có quá nhiều lỗ hổng chưa được “vá”. Cụ thể, việc gian lận qua “giá” đang là vấn nạn. Giá hàng nhập khẩu là do DN khai dựa trên hợp đồng với đối tác nước ngoài, trên chứng từ thanh toán…
Thế nhưng, Nhà nước lại trao cho cán bộ hải quan được quyền áp giá. Do vậy, một container thảm Thổ Nhĩ Kỳ được khai với giá 8USD/sản phẩm (dù thanh toán có bảo đảm ngân hàng) nhưng cán bộ lấy giá một tấm thảm xách tay lẻ do khách mua về để đề nghị áp giá 50USD/sản phẩm.
Còn nếu muốn cán bộ hải quan chấp nhận giá DN khai thì phải… “cưa”! Như vậy, gian lận qua giá chính là con đường lậu thuế hợp pháp hiện nay. Chính việc “qua sông lụy đò” đã góp phần cho tiêu cực ở cửa khẩu có đất sống “khỏe”.
Do vậy, để thông thoáng mà không buông lỏng, đã đến lúc Nhà nước cần thay đổi các quy định, “mở cửa” thì phải có quy chế kiểm soát và quy định trách nhiệm đối với cán bộ quản lý.
Chẳng hạn, hàng hóa ở luồng xanh, không cần mở hàng ra kiểm tra nhưng đảm bảo hàng đó phải qua máy soi tự động; trao cho cán bộ được quyền kiểm soát thông quan thì phải gắn với trách nhiệm, nếu để hàng gian, hàng giả, hàng không đúng giá lọt qua cửa khẩu thì bị xử lý nghiêm; DN cố tình gian dối thì bị xử lý hình sự...
Lâu nay, Nhà nước đã giao quyền tự tính, tự khai, tự nộp thuế cho DN, giờ lại mở rộng cho DN được quyền khai hải quan một nơi, nhập hàng một nẻo, khiến việc kiểm soát khó khăn hơn. Theo báo cáo của Hải quan TPHCM, có nhiều DN làm tờ khai hải quan ở Đồng Nai, Bình Dương nhưng nhập khẩu vào cảng ở TPHCM. Và theo quy định thì phải giải quyết thông quan hàng hóa nhanh cho DN, sau đó mới đối chiếu lại tờ khai với hải quan nơi DN khai báo, đến lúc ấy thì DN đã trốn biệt tăm. Thực tế, việc cải cách, tạo thuận lợi cho hải quan thông quan hàng hóa trước, nộp thuế sau đã khiến số nợ thuế tăng lên nhanh chóng. Đặc biệt, một số DN gian dối, nhập khẩu xong trốn luôn đã làm số nợ khó đòi ngày một nhiều. |